Nhảy đến nội dung

Nghị quyết tạo niềm tin, hứng khởi cho kinh tế tư nhân

Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân vừa được Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành đã tạo ra sự hứng khởi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Niềm tin sẽ tạo xung lực cho DN tư nhân lớn mạnh

Nghị quyết 68 (NQ 68) được chính thức ban hành đã tạo ra niềm hứng khởi không chỉ cho các doanh nhân, doanh nghiệp (DN) mà nhiều chuyên gia kinh tế cũng đánh giá đây là đột phá mới để đưa kinh tế đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, NQ 68 đã tạo ra sự chuyển biến về nhận thức đối với kinh tế tư nhân khi xem đây là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Điều này tạo ra hứng khởi, niềm tin cho cộng đồng DN. Niềm tin là điều rất quan trọng để lực lượng này tạo nên bước nhảy vọt và thực sự lớn mạnh. "Tin thì mới nỗ lực, học hỏi, ngẫm nghĩ, suy tư để tìm ra cách, tạo ra nguồn lực, xung lực để đưa DN mình đi lên, đưa đất nước phát triển. Niềm tin ấy không phải viển vông mà có căn cứ", ông Thành giải thích. Theo chuyên gia này, trong bối cảnh mới, nỗ lực tự thân của DN có ý nghĩa quyết định nhưng các hỗ trợ thích hợp, thiết thực của nhà nước là rất cần thiết cho quá trình đó. Nghị quyết mới với tầm nhìn chiến lược sẽ thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế.

Còn theo TS Nguyễn Quốc Việt (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội), NQ 68 là một bước củng cố các thành quả thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian qua. Nghị quyết mới sẽ tiếp tục thúc đẩy khu vực này phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Ông nhìn nhận NQ 68 có 3 điểm khác biệt lớn nhất so với một số nghị quyết trước đây cũng có nói về tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Đó là lần đầu tiên cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ xem khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế. Từ đó sẽ tạo động lực tối đa để kinh tế tư nhân phát triển. Thứ hai, NQ 68 thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn các đột phá về thủ tục, giảm chi phí của pháp luật nói chung và chi phí hành chính nói riêng cho các DN. Thứ ba, được coi là điểm rất quan trọng, là trong bối cảnh có những sự chồng chéo hay khoảng trống trong quy định pháp luật thì các hành vi được coi là không đúng, không phù hợp nhưng chưa cấu thành hành vi vi phạm thì sẽ không bị hình sự hóa. Điều này sẽ thực sự thúc đẩy tinh thần dám nghĩ dám làm, dấn thân để có sáng tạo, đổi mới của cơ quan nhà nước lẫn kinh tế tư nhân.

"Xây tổ" cho DN nội

Trong NQ 68, Bộ Chính trị xác định rõ có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khối DN tư nhân thời gian qua chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước, chủ yếu là do tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Đi cùng với đó là thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập…

Vô cùng hoan nghênh cách nhìn nhận thẳng thắn này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), khẳng định đây là chuyển biến quan trọng mang tính chất cốt tử quyết định sự thành công của nghị quyết mới. Bởi, từ tư duy, nhận thức sẽ quyết định hành động. Thời gian trước, những điểm nghẽn về thể chế là nút thắt lớn nhất khiến DN tư nhân VN khó lớn mạnh, kinh tế khó phát huy nội lực. Muốn đột phá thể chế đòi hỏi đột phá về tư duy, về con người, bộ máy thực hiện. Từ bộ máy của Đảng, của Chính phủ, đến chính quyền các cấp phải đổi mới mạnh mẽ. "Chính những con người trong bộ máy thiết kế thể chế, thực hiện thể chế. Nếu không đột phá về con người, không thay đổi tư duy thì làm sao có được những thể chế tốt? Ngay cả có ban hành trên văn bản tốt mà không thực hiện thì cũng vô nghĩa. Có thể thấy rõ các nghị quyết đã ban hành trước đây không thiếu ý tưởng tốt nhưng trên thực tế hầu hết đều không thực hiện được, không tạo được sự chuyển biến mạnh trong xã hội. Chính vì thế, cuộc thay đổi lần này của Tổng Bí thư Tô Lâm thực sự là thay đổi cách mạng đối với DN tư nhân của VN", bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, bà Phạm Chi Lan bày tỏ rất tâm đắc với quan điểm chỉ đạo phải xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân. Theo bà, tinh thần thúc đẩy DN Việt, xây dựng DN dân tộc phát triển mạnh trở thành trụ cột phát triển kinh tế đã được hình thành và kéo dài suốt từ khi đất nước bắt đầu đổi mới. Các nghị quyết của Đảng, thông qua hệ thống luật pháp, chính sách của nhà nước từ đó đến nay đều chỉ rõ nội dung này, nhưng trên thực tế DN tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử. Phải tới giai đoạn 2016 - 2017, nghị quyết của Đảng chính thức thừa nhận "kinh tế tư nhân là một động lực phát triển", sau đó nâng lên thành "động lực phát triển quan trọng" của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhìn chung tư duy phát triển khối DN tư nhân của VN vẫn đi rất "rón rén". Những tháo gỡ về thể chế trong thời gian qua đã có những bước được thực hiện dần dần, nhưng chưa thực sự có được những đột phá mang tính chiến lược như các nghị quyết đã đề ra. Về cơ bản, khu vực kinh tế tư nhân vẫn luôn bị phân biệt đối xử. Chính vì thế, khi loại bỏ được tư tưởng này, DN tư nhân sẽ có môi trường bình đẳng, được "tháo chốt" để có thể nhanh chóng phát triển mạnh mẽ trong vòng 5 năm tới.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá những nhân tố quan trọng nhất cho DN là môi trường kinh doanh và đổi mới sáng tạo, chính sách thực, ứng dụng thực đều được đưa ra trong nghị quyết mới. Thêm một điều đặc biệt là trước giờ chúng ta thường nói làm tổ cho đại bàng, nhắm tới các đại bàng lớn bên ngoài bay vào, giờ tinh thần của NQ 68 còn đề cập chuyện làm tổ cho những đàn chim nhỏ hơn với yêu cầu hỗ trợ thực chất, hiệu quả cho DN nhỏ, siêu nhỏ và các hộ kinh doanh. "Đây là cách nhìn nhận rất mới, rất tuyệt vời", theo bà Lan. DN có thể nhỏ nhưng không yếu; nhỏ nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. Trong mọi lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch hay dịch vụ, DN nhỏ và vừa đều có thể tham gia và cung cấp được những giải pháp tốt cho những vấn đề mà nền kinh tế và người dân cần.