Nghi ngờ 'tính xác thực', chuyên san quốc tế gỡ bài báo có học sinh đứng tên

Vụ việc nhóm tác giả người Việt bị gỡ bài báo khoa học đang thu hút sự chú ý từ dư luận bởi công trình này có sự tham gia của một phó giáo sư ngành vật lý, giám đốc công ty du học và một số học sinh THPT.
Lý do gỡ bài báo khoa học
Những ngày vừa qua, dư luận xôn xao trước tin một nhóm tác giả người Việt vừa bị gỡ bài báo khoa học đăng trên chuyên san Hệ thống thông minh và mờ (Journal of Intelligent and Fuzzy Systems - JIFS). Đây là tạp chí của Nhà xuất bản Sage, chuyên đăng tải các ứng dụng thực tiễn cùng nghiên cứu tình huống trong lĩnh vực logic mờ, hệ thống thông minh và ứng dụng dựa trên nền tảng web (như Canva - PV).
Thời điểm bài báo khoa học nêu trên được xuất bản, chuyên san JIFS nằm trong cơ sở dữ liệu Science Citation Index Expanded (SCIE) với chỉ số IF là 2.0, được phân loại là Q2 (theo khung từ Q1 tới Q4, với Q1 là các tạp chí có chất lượng tốt nhất).
Sở dĩ vụ việc nhận về nhiều quan tâm là bởi, nhóm tác giả không chỉ có các chuyên gia, sinh viên ở trường ĐH, mà còn có sự góp mặt của học sinh THPT và giám đốc một công ty du học có trụ sở tại Hà Nội.
Cụ thể, bài báo bị gỡ có tên: "Ứng dụng học sâu vào mạng cảm biến không dây để giám sát cảm xúc của học sinh THPT", đăng trực tuyến vào ngày 3.8.2023 và bị gỡ trong một chiến dịch điều tra do Nhà xuất bản Sage thực hiện từ đầu năm 2024 tới nay. Trong thông báo đăng ngày 19.4, chuyên san này cho biết bài báo bị gỡ xuất hiện một hay nhiều dấu hiệu làm dấy lên nghi ngờ về "tính xác thực của nghiên cứu" và "quy trình bình duyệt".
Các dấu hiệu được liệt kê gồm: "Thao túng trích dẫn, bao gồm các trích dẫn không liên quan đến nội dung bài báo; có những đoạn rối rắm, thừa thãi và các cụm từ bị xuyên tạc (tortured phrases); khả năng có sự tham gia trái phép của bên thứ ba trong quá trình nộp bài; bằng chứng cho thấy có sự thông đồng giữa tác giả và người phản biện nhưng không bị phát hiện trước khi bài được xuất bản; trích dẫn những bài báo đã bị gỡ bỏ do có dấu hiệu can thiệp của bên thứ ba và quy trình bình duyệt bị thao túng".
Chuyên san JIFS không nêu rõ bài báo của nhóm tác giả người Việt có dấu hiệu vi phạm nào.
Tác giả đầu kiêm tác giả liên hệ của bài báo bị gỡ là PGS-TS Lê Quang Thảo, hiện công tác ở Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ngoài ra, bài báo còn có một tác giả liên hệ khác là bà Nguyễn Thị Bích Diệp, ghi địa chỉ làm việc là "Ivycation Company" có trụ sở ở Hà Nội (Công ty TNHH giáo dục Chặng Đường IVY, thường được biết đến với tên Ivycation - PV).
Theo thông tin từ tài liệu quảng cáo của Công ty Ivycation, bà Diệp từng tốt nghiệp ĐH Stanford (Mỹ) với bằng xuất sắc ngành quan hệ quốc tế và trước đó từng nhận học bổng vào một số ĐH như Harvard, Yale (Mỹ) và Oxford (Anh). Bà cũng từng là cựu học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam và là Giám đốc điều hành Ivycation, công ty luyện thi và du học được thành lập từ năm 2009, theo trang cá nhân của bà trên LinkedIn.
Ngoài ra, bài báo còn có sự tham gia của 3 tác giả lúc đó là học sinh THPT, gồm L.K.L, Trường TH-THCS-THPT Reigate Việt Nam (Hà Nội, trước đây là Trường Quốc tế Việt Nam); T.N.B.L, Trường THCS-THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội); với N.V.L, Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam.
Trên trang Facebook chính thức, Công ty Ivycation giới thiệu là đơn vị luyện thi SAT "số 1 trên toàn quốc", có sứ mệnh "đưa thế hệ trẻ tới cánh cửa Ivy League (nhóm các trường ĐH tinh hoa của Mỹ - PV)". Trong khi đó, trang web của công ty này hiện đang hiển thị trạng thái bảo hành từ chiều 19.5 tới nay, sau khi có thông tin bài báo khoa học của giám đốc Nguyễn Thị Bích Diệp bị gỡ bỏ.
Trong nhóm tác giả bài báo còn có D.Đ.C, sinh viên Khoa Toán-Cơ-Tin học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Thông tin gỡ bỏ bài báo khoa học lần đầu được chia sẻ tại nhóm Facebook "Liêm chính khoa học", hiện thu hút hàng ngàn lượt tương tác và chia sẻ, sau đó tiếp tục được một số tài khoản đăng lại trên mạng xã hội Threads và nhận về hàng trăm nghìn lượt xem.
Theo Retraction Watch thuộc Trung tâm liêm chính khoa học - tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, từ đầu năm 2024, Nhà xuất bản Sage đã tiến hành điều tra chuyên san JIFS và tới nay, tổng cộng 1.561 bài báo khoa học bị gỡ bỏ. Mới đây nhất vào tháng 4, chuyên san này đã gỡ bỏ 678 bài báo, trong đó có bài báo của ông Thảo và bà Diệp. Con số này trước đó là 467 vào tháng 8.2024 và 416 vào tháng 1 năm nay.
Phần lớn tác giả của các bài báo khoa học bị gỡ bỏ tới từ Ấn Độ và Trung Quốc. Khoảng một nửa số bài bị gỡ trong đợt tháng 4 được xuất bản trong năm 2023, 2024. Retraction Watch nhận định, việc gỡ bỏ bài báo là một phần trong chiến dịch thanh lọc nhằm xử lý các hoạt động có dấu hiệu liên quan đến các "lò" mua bán bài báo (paper mills). Chuyên san JIFS đã hoạt động trở lại sau thời gian tạm dừng xuất bản để phục vụ điều tra.
Theo thông tin từ chuyên san JIFS, ngoài bài báo khoa học vừa bị gỡ, PGS-TS Lê Quang Thảo và bà Nguyễn Thị Bích Diệp còn là tác giả liên hệ của hai bài báo khác cũng đăng trên chuyên san này. Tất cả đều được xuất bản trong cùng năm 2023, thời gian đăng chỉ cách nhau một ngày hay vài tháng. Các công trình này cũng có sự xuất hiện của một số tác giả là học sinh THPT.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, ông Thảo đạt chuẩn PGS ngành vật lý vào năm 2024 và đang là giảng viên chính ở Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Trong hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn PGS, ông Thảo cho biết đã công bố 31 bài báo khoa học, trong đó có 19 bài đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín. Hướng nghiên cứu chủ yếu của ông là tối ưu hóa mạch điện phần cứng, kỹ thuật phần mềm trong các hệ thống điều khiển thích nghi; và xử lý dữ liệu trong các hệ thống nhúng thông minh.
Thanh Niên liên hệ PGS-TS Lê Quang Thảo và bà Nguyễn Thị Bích Diệp vào hôm 19.5 qua email cung cấp trong bài báo khoa học để tìm hiểu thêm về vụ việc và xin bình luận chính thức, nhưng tới nay chưa nhận được phản hồi.
* Thanh Niên tiếp tục theo dõi và phản ánh vụ việc.