Nghẹn ngào lời tiễn biệt của người cha dành cho con gái trong phòng mổ

“Bố cố hết sức rồi, không còn cách nào khác, đành phải chấp nhận…”, bên giường bệnh, người đàn ông nghẹn ngào trong nước mắt nói lời cuối trước giờ phút chia xa, hiến tạng cô con gái 33 tuổi.
Buồng bệnh tại Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), ngày cuối tháng 6 yên tĩnh lạ thường, chỉ còn tiếng tít… tít… tít… của thiết bị máy móc.
Hai người đàn ông, một lớn tuổi, một còn trẻ, đứng cạnh giường nữ bệnh nhân gắn nhiều thiết bị dây rợ. Họ là cha, là chồng của chị K., người phụ nữ không may bị tai nạn giao thông đã chết não.
Chị K. (tên nhân vật đã được thay đổi) sinh năm 1992, nhà ở Gia Lai, là mẹ của 3 cô con gái còn bé bỏng. Sau vụ tai nạn cướp đi mạng sống của chị ở Ninh Bình, trong nỗi mất mát tột cùng, người cha đã quyết định hiến tạng con gái để cứu sống những người bệnh khác. Gia đình quyết định đưa chị vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Bên giường bệnh của con gái, sự mạnh mẽ cuối cùng của người đàn ông lớn tuổi dường như không thể gắng gượng.
“Bố cố hết sức rồi, không còn cách nào khác, bố phải chấp nhận”, ông nghẹn ngào trong nước mắt. Ông nói với con, mong rằng thân xác con gái được gửi về lòng đất, “phần nào lấy được thì bác sĩ sẽ ghép cho người khác nhưng phần hồn của con thì mãi mãi tồn tại”.
Đứng cạnh bố vợ là người chồng trẻ tuổi của chị K., tay anh đeo hộ vợ nhẫn cưới. Anh nắm chặt bàn tay vợ, áp lên má như muốn níu mãi giây phút được cảm nhận hơi ấm người phụ nữ bên cạnh mình hàng chục năm trời. Rồi anh khẽ khàng kéo chăn đắp cho vợ lần cuối, nức nở từ biệt…
Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tim, gan, 2 thận của chị K. đã được lấy để ghép, cứu sống 4 người xa lạ.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, từ ca chết não hiến tạng đầu tiên (năm 2008) đến nay, Việt Nam có gần 240 trường hợp đã dũng cảm thực hiện nghĩa cử cao đẹp này. Trong đó số ca chết não hiến tạng tăng mạnh trong 2-3 năm gần đây, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2025. Điều này giúp tỷ lệ ca ghép tạng từ nguồn cho là người chết não tăng từ 4% lên hơn 10%.
Đến tháng 6/2025, cả nước thực hiện được hơn 10.000 ca ghép tạng, trong đó thận là tạng được ghép nhiều nhất (hơn 9.000 ca); gan hơn 800 ca; tim gần 135 ca; phổi 15 ca. Việt Nam cũng thực hiện ghép chi trên cho 3 trường hợp, ghép ruột cho 2 trường hợp. Cùng đó, thầy thuốc Việt Nam cũng chứng tỏ bản lĩnh, khả năng khi ghép đồng thời thận - tuỵ, tim - phổi, tim - gan cho người bệnh.
Sau lời kêu gọi, phát động phong trào "Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người - Cho đi là còn mãi" của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 19/5/2024, đến nay số người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não tăng mạnh từ 86.000 người lên gần 133.600 trường hợp.
Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý về sửa đổi Luật Hiến ghép mô, bộ phận cơ thể người (gọi tắt là Luật Hiến ghép mô, tạng). Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết dự Luật đề xuất cho phép người dưới 18 tuổi và người chết tim hiến mô, tạng; Đơn giản hóa điều kiện lấy mô, tạng; Giảm tiêu chuẩn thời gian trong chẩn đoán chết não; Thay đổi thứ tự ưu tiên ghép mô, tạng; Xây dựng cơ chế tài chính, chính sách.
Theo đó, đề xuất thay đổi thứ tự ưu tiên trong điều phối ghép mô, bộ phận cơ thể người, thực hiện như sau:
- Trường hợp cấp cứu (trong Luật hiện hành, trẻ em là đối tượng đầu tiên)
- Trẻ em (nếu không có trường hợp cấp cứu)
- Người chờ ghép tại cơ sở y tế có người hiến
- Người đã hiến bộ phận cơ thể người, thân nhân thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người đã hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết khi có chỉ định ghép (có tên trong danh sách chờ ghép)
- Người có tên đầu tiên trong danh sách chờ ghép của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.