Nghệ thuật vẽ mặt độc đáo của tuồng Bình Định

Để vai diễn thật tròn trịa, những nghệ sĩ tuồng Bình Định phải dành ra hàng giờ hóa trang trước buổi diễn. Trong đó nghệ thuật vẽ mặt là cốt lõi làm nên phần hồn mỗi nhân vật.
Bình Định từ lâu được biết đến là "đất tuồng", là cái nôi sản sinh ra nhiều danh nhân sân khấu như Đào Duy Từ, Đào Tấn... cùng hàng loạt đoàn hát bội danh tiếng một thời. Tuồng Bình Định không chỉ là một loại hình nghệ thuật truyền thống, mà đã trở thành một phần trong tâm thức của người dân.
Nghệ sĩ tuồng vẽ mặt
Trong nghệ thuật tuồng Bình Định, hóa trang, hay còn gọi là vẽ mặt, giữ một vai trò đặc biệt. Người nghệ sĩ không chỉ biết hát, biết múa, biết diễn, mà còn phải tự tay vẽ gương mặt của chính mình mỗi khi bước ra sân khấu.
Đó không đơn thuần là tô điểm, mà là cách họ thổi hồn vào nhân vật: từ màu sắc, đường nét đến bố cục phải đúng quy ước truyền thống. Đồng thời thể hiện được cá tính, số phận và tầng lớp xã hội của vai diễn.
Tại Bình Định, nghệ sĩ tuồng được dạy vẽ mặt ngay từ ngày đầu theo nghề. Tuy nhiên mỗi người chỉ được thầy vẽ cho đúng một lần và chỉ vẽ nửa mặt. Phần còn lại, người học phải tự hoàn thiện.
Đặc biệt, nghệ sĩ phải dùng cả hai tay để vẽ tương ứng với từng bên mặt, điều đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì và am hiểu sâu về mỹ thuật.
Nghệ sĩ trẻ Thái Phiên chia sẻ: "Trong tuồng, hóa trang là yếu tố rất quan trọng. Người diễn không chỉ cần kỹ thuật, mà còn phải tinh tế, am hiểu mỹ thuật và đặc điểm nhân vật để thể hiện đúng tính cách qua từng nét vẽ".
Còn với Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hợi thì vẽ mặt không thể tùy tiện, vì khán giả nhìn mặt là đã đoán ra nhân vật.
"Mỗi kiểu mặt: đỏ, đen, rằn, dữ hay hiền đều gợi lên tính cách. Khi kết hợp với lời thoại, động tác và phục trang, nhân vật mới thực sự sống trọn trên sân khấu" - ông cho hay.
Trung hay nịnh, chính hay tà
Cách thức hóa trang của tuồng Bình Định gồm ba kỹ thuật chính: kẻ mặt, giặm mặt và kéo mặt. Màu sắc phải đậm, đường nét rõ ràng để tăng khả năng biểu đạt gương mặt, kể cả khi người nghệ sĩ đứng cách xa khán giả cả chục mét.
Chính điều này giúp khán giả, chỉ cần nhìn mặt là đã phần nào hiểu được bản chất nhân vật: trung hay nịnh, chính hay tà.
Cùng với một số tỉnh, thành miền Trung, Bình Định là trung tâm của nghệ thuật tuồng và bộ môn này trở thành "món ăn" tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây.
Trải qua những biến cố, thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, đến nay nghệ thuật tuồng Bình Định vẫn được bảo tồn và phát triển.
Âm hưởng hùng tráng với những tấm gương nhân vật tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người, chất bi hùng, tiếng trống chầu hát bội và cả nghệ thuật "vẽ mặt" trong tuồng là sức hút cho bất cứ ai khi tìm đến Bình Định.