Nghệ An thêm 3 'bí mật văn hóa' vào danh sách di sản quốc gia

TPO - Lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu, nghệ thuật trống tế Yên Thành và chữ Thái ở tỉnh Nghệ An vừa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngày 5/7, một lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa ký các quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu, nghệ thuật trống tế Yên Thành và chữ Thái ở tỉnh Nghệ An.
![]() |
Đồng bào Ơ Đu chuẩn bị lễ vật cho lễ hội đón tiếng sấm đầu năm |
Theo các quyết định, Lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu đã chính thức được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng. Nghệ thuật trống tế Yên Thành thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Còn chữ Thái ở Nghệ An được ghi danh thuộc loại hình Tiếng nói, chữ viết.
Việc công nhận lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu, nghệ thuật trống tế Yên Thành, chữ Thái ở Nghệ An là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ ghi nhận giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc ở tỉnh Nghệ An, mà còn tạo điều kiện để bảo tồn, phát huy nghề thủ công gắn với phát triển du lịch, kinh tế - xã hội địa phương trong giai đoạn mới. Đến nay, tỉnh Nghệ An đã có 13 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
![]() |
Đánh trống tế ở Yên Thành |
Lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu còn được gọi là Tết Chăm Phtrong, gắn với tục thờ thần sấm. Xưa kia, tộc người Ơ Đu không sử dụng lịch thông thường mà dựa vào hiện tượng thiên nhiên để xác định thời gian. Tiếng sấm là dấu hiệu để họ nhận biết mùa đông lạnh kéo dài đã kết thúc và bắt đầu năm mới. Tiếng sấm đầu tiên trong năm cũng là lúc người Ơ Đu bắt đầu mùa gieo trồng và thực hiện những việc trọng đại trong gia đình, dòng họ, việc chung của cộng đồng.
Nghệ thuật trống tế Yên Thành là một loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc, không chỉ được sử dụng trong nghi thức thờ cúng mà còn xuất hiện trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở các xã vùng quê huyện Yên Thành cũ. Trong các dịp lễ hội, nơi đây thường được tổ chức các cuộc thi đánh trống tế. Đây là dịp để các đội trống ở các dòng họ, địa phương giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về nghệ thuật đánh trống tế, từ đó lan truyền và bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
![]() |
Chữ Thái Lai pao. |
Người Thái chiếm hơn 50% dân số là người các dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An. Chữ viết của người Thái từng đứng trước nguy cơ thất truyền, song hiện đang dần được khôi phục trở lại. Chữ Thái có nhiều hệ khác nhau, song được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là hệ chữ Thái Lai tay và Thái Lai pao.