Nhảy đến nội dung
 

Ngày lễ bận rộn ở Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội

Người phụ nữ nguy kịch sau tai nạn giao thông giữa đêm khuya; nam du khách nước ngoài khó thở, nhịp tim tăng nhanh… là 2 trong nhiều ca mà kíp trực của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội tiếp nhận trong những ngày trực lễ. Không phút giây chần chừ, họ đều lập tức lên đường ngay khi nhận được tin.

3 phút xuất phát

23 giờ 23 ngày 1.5, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội nhận cuộc gọi khẩn cấp thông báo một phụ nữ khoảng 35 tuổi nằm bất tỉnh trên phố Huế (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội). Theo lời kể của người dân, nạn nhân đi xe máy một mình, đâm vào gốc cây rồi ngã xuống đường, tình trạng nguy kịch.

Kíp cấp cứu gồm một bác sĩ, một điều dưỡng và một tài xế xuất phát sau 3 phút, đến nơi phát hiện bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn, hôn mê sâu, có vết rách dưới cung mày, tụ máu, biến dạng trán, chảy máu mũi và miệng, nhiều vết thương ở tay chân.

Bác sĩ lập tức tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng ô xy 10 lít/phút, hô hấp nhân tạo, sốc điện tự động, cố định cột sống cổ. 9 phút sau, bệnh nhân vừa được cấp cứu trên xe vừa được chuyển đến Bệnh viện Thanh Nhàn.

Đến trưa 2.5, một ca cấp cứu khẩn cấp khác được kích hoạt từ ngõ Hàng Chuối 2 (Q.Hai Bà Trưng). Nam du khách Trung Quốc, 36 tuổi, đi du lịch một mình bất ngờ xuất hiện triệu chứng khó thở, tim đập nhanh, tê tay chân. Ngay khi nhận cuộc gọi từ nhân viên khách sạn, kíp cấp cứu lập tức lên đường.

Trên xe đến Bệnh viện Việt Pháp, bệnh nhân cho biết không có tiền sử bệnh tim, không sử dụng rượu bia hay chất kích thích. Những ngày qua anh cảm thấy hơi mệt, nhưng đến sáng tình trạng chuyển biến nặng.

Đây là 2 trong số hàng trăm ca cấp cứu mà Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã tiếp nhận trong 3 ngày nghỉ lễ (từ 29.4 - 1.5).

Bác sĩ Đặng Thị Phương Nga, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, cho biết trong 3 ngày, đơn vị đã tiếp nhận 241 yêu cầu cấp cứu, chủ yếu tai nạn giao thông, bệnh lý tại nhà. Mọi yêu cầu cấp cứu ngoại viện của người dân đều được trung tâm đáp ứng 100%, không bỏ sót hay chậm trễ.

"Dù số lượng ca cấp cứu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng các ca nặng lại có xu hướng tập trung vào buổi tối, gây áp lực lớn cho đội ngũ trực đêm", bác sĩ Nga thông tin.

Từ đầu tháng 4, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã bắt đầu xây dựng kế hoạch trực kỳ nghỉ lễ, yêu cầu các trạm kiểm tra nhân lực, vật tư, thuốc men, chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp, kể cả thảm họa như cháy nổ, sập nhà…

Toàn trung tâm luôn có 16 kíp xe cấp cứu thường trực 24/7 tại 8 trạm cấp cứu trung tâm (số 11 Phan Chu Trinh, Q.Hoàn Kiếm) và các khu vực: Từ Liêm, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Trì, Long Biên, Đông Anh, Hà Đông. Trong đó, 15 xe hoạt động thường xuyên, 1 xe chuyên trách bệnh nhân tâm thần lang thang phối hợp với Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.

Mỗi xe cấp cứu đều được trang bị đầy đủ máy sốc tim, monitor, máy điện tim, máy đo SPO2, bình ô xy, túi cấp cứu lưu động theo đúng tiêu chuẩn Bộ Y tế, đảm bảo sơ cứu tại hiện trường và vận chuyển bệnh nhân an toàn đến bệnh viện gần nhất.

Mỗi kíp trực gồm 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng và 1 lái xe. Từ khi nhận điều phối, nguyên tắc "3 phút xuất phát" là bắt buộc.

Tuy nhiên, do đặc điểm giao thông Hà Nội, đặc biệt trong ngày lễ, thời gian trung bình đến hiện trường có thể dao động khoảng 15 - 16 phút. Một số địa điểm nằm sâu trong ngõ ngách, xe không thể vào, nhân viên y tế buộc phải đi bộ mang theo trang thiết bị cấp cứu.

"Có lúc người nhà phàn nàn "sao lâu thế", nhưng thực tế chúng tôi đều xuất phát đúng quy trình, đến nơi nhanh nhất có thể. Áp lực không chỉ đến từ chuyên môn, mà còn từ người nhà bệnh nhân tại hiện trường. Họ sốt ruột, căng thẳng, dễ bức xúc, đòi hỏi nhân viên y tế phải bình tĩnh, xử lý chuyên nghiệp trong mọi tình huống", bác sĩ Nga nói.

Với những người bệnh cần cấp cứu, đặc biệt các trường hợp đột quỵ, đau tim, bệnh lý hô hấp, chấn thương nặng do tai nạn, thời gian chính là mạng sống của người bệnh. Một phút chậm trễ trong cấp cứu trước viện, sợi dây sinh mệnh của bệnh nhân lại càng thêm mong manh.

Bác sĩ Nga ví von công việc của 115 như "một cuộc đua kéo dài 24 giờ mỗi ngày", ngày này sang ngày khác, không có hồi kết. Tất cả mọi công đoạn, dù là nhỏ nhất, phải đặt yếu tố tốc độ, chính xác, bình tĩnh lên hàng đầu.

Chuông điện thoại reo không ngừng

Tại tầng 3 Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, căn phòng điều phối sáng đèn suốt ngày đêm. Có lúc 3 chiếc điện thoại đường dây nóng 115 tại "cơ quan đầu não" này đổ chuông cùng lúc, buộc chị Nguyễn Thị Thúy Hồng (36 tuổi) và 2 nhân viên điều phối phải xử lý song song. Một bên hỏi tình trạng bệnh nhân, một bên xác định vị trí, một bên điều phối xe.

"Cảm giác như mọi dây thần kinh trong đầu căng hết ra", chị Hồng kể.

Dịp lễ 30.4 và 1.5, mỗi tua trực điều phối có 3 người, trung bình tiếp nhận 1.400 - 1.500 cuộc gọi mỗi ngày, chuông điện thoại reo không ngừng. Mỗi giờ đồng hồ hơn 100 cuộc gọi đổ dồn về các đầu máy đường dây nóng. Trong số đó, một nửa cuộc gọi là những ca cấp cứu, số còn lại trao đổi thông tin giữa các trạm cấp cứu vệ tinh, người dân gọi nhầm, trêu chọc.

Sau khi nhận cuộc gọi báo cấp cứu, nhân viên trực đường dây nóng sẽ ghi nhận địa chỉ, số điện thoại, tình trạng bệnh nhân. Dựa vào vị trí người bệnh, họ sẽ liên lạc đến trạm vệ tinh gần nhất để điều động xe.

Hệ thống bản đồ giám sát cho phép nhân viên điều phối có thể theo dõi được hoạt động của tất cả 16 xe cấp cứu và thông tin liên lạc luôn được thông suốt, từ đó có phương án điều phối hiệu quả nhất.

Làm điều phối không chỉ là điều xe, mà còn phải hướng dẫn cấp cứu từ xa. Nhiều cuộc gọi thông báo nạn nhân bị điện giật, ngừng tuần hoàn, hóc dị vật, mất máu. Khi đó, nhân viên điều phối bình tĩnh hướng dẫn người dân tại hiện trường cách ép tim, cầm máu, thậm chí… đỡ đẻ, trong lúc chờ xe cấp cứu gần nhất xuất phát.

Gần 11 giờ trưa 2.5, trung tâm nhận cuộc gọi báo một người đàn ông tại xã Đông Trạch (H.Thanh Trì) bị điện giật, ngừng tuần hoàn. Chị Hồng vừa điều phối xe cấp cứu từ Bệnh viện Thanh Trì, vừa hướng dẫn người dân sơ cứu cho nạn nhân từ xa.

"Bình tĩnh, nghe tôi đếm từ 1 đến 10, ép tim theo nhịp", nữ nhân viên vừa trấn an họ, vừa chỉ dẫn từng bước khi có người cuống lên, hét qua điện thoại. Trong khi chờ xe đến, người dân luân phiên ép tim ngoài lồng ngực theo khẩu lệnh để duy trì cơ hội sống cho nạn nhân.

Sau 10 phút, xe cấp cứu có mặt tại hiện trường, hỗ trợ tiếp tục hồi sức và chuyển bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất.

Chị Hồng nói, công việc này giống như làm ở "bộ não" của trung tâm, không phút nào được lơ là. Tập trung cao độ, xử lý tình huống, định vị, hướng dẫn, điều phối… tất cả diễn ra đồng thời.

"Có lúc căng đến mức về nhà tôi vẫn ám ảnh tiếng chuông điện thoại. Có lần, tôi nhấc máy gọi người thân mà mở đầu bằng câu: "Trung tâm cấp cứu 115 xin nghe!", chị bật cười.

Không riêng chị Nga hay chị Hồng, mà tất cả nhân viên y tế của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đều xác định "đã vào nghề này là không có khái niệm ngày lễ, ngày nghỉ".

"Mỗi người luôn trong trạng thái sẵn sàng làm việc bất cứ lúc nào, kể cả khi mưa bão hay thời tiết xấu, chúng tôi vẫn phải lên đường vì người dân", chị Nga khẳng định.