Ngày hòa bình 30-4-1975, ngày chúng tôi được sinh ra một lần nữa

Ngồi xem lễ mít tinh mừng 50 năm thống nhất đất nước trên tivi bên các con cháu ở Hà Nội, thiếu tá Phạm Văn Bá rưng rưng nhớ về những đồng đội đã ngã xuống cho hòa bình, và biết ơn cái ngày đã sinh ra ông một lần nữa: ngày 30-4-1975.
Vì sức khỏe và tuổi tác, thiếu tá Phạm Văn Bá (phường Trường Thi, thành phố Vinh, Nghệ An) không thể vào TP.HCM những ngày này để tận mắt chứng kiến không khí kỷ niệm ngày chiến thắng lớn của đất nước, như 50 năm trước ông cùng với các đồng đội của mình chiến đấu can trường để "tiến về Sài Gòn".
Vậy là các con, cháu ông cùng tụ lại bên cha mẹ, ông bà tại gia đình người con trai út ở Hà Nội, đại gia đình ngồi bên nhau dõi theo lễ mít tinh trọng thể qua tivi. Cháu trai mới 4 - 5 tuổi cũng háo hức dậy sớm để cùng ngồi bên ông bà xem chương trình.
Chị Phạm Thị Trà Giang - con gái đầu của ông còn chuẩn bị bó hướng dương rực rỡ để tặng cha - người chiến sĩ giải phóng quân năm ấy, để chúc mừng ngày đặc biệt, ngày mà bố thường nói với cả nhà là ngày ông được sinh ra một lần nữa.
Ngày hòa bình 30-4, ngày nhớ ơn đồng đội đã hy sinh
Ông Phạm Văn Bá không rõ ngày sinh thực sự của mình, nhưng ông có tới hai ngày sinh. Trên giấy tờ cá nhân, sau hòa bình, ông lấy ngày 20-10 là ngày sinh của mình. Đó là ngày Trung đoàn 320 của ông được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1976).
Và ngày ông được sinh ra một lần nữa, chính là ngày hòa bình 30-4-1975. Với những người lính cầm súng trực tiếp chiến đấu, chứng kiến bao đồng đội của mình đã ngã xuống như ông Bá, thì ngày kết thúc chiến tranh, đất nước hòa bình, thống nhất quý giá vô cùng.
Sẽ không còn phải quăng mình vào lửa đạn chết chóc nữa, đó thực sự là ngày tái sinh, ngày được sống của những người lính.
Nhập ngũ năm 1967, chiến đấu ở miền Nam cho đến ngày giải phóng, ông Bá đã trải qua cả trăm trận đánh, bốn lần bị thương, chưa bình phục đã lại lao vào chiến đấu. Vậy mà ông vẫn sống được đến ngày hòa bình, thì đó thật sự là một ơn phước quá lớn mà ông luôn nhắc mình khắc ghi.
Kháng chiến chống Mỹ khốc liệt tới nỗi trong mấy năm làm chính trị viên đại đội mà ông Bá phải đồng hành cùng 11 "đời" đại đội trưởng, trong đó 6 người hy sinh, 5 người bị thương.
Còn trung đoàn quân chủ lực 320 của ông hành quân đi B từ năm 1964 với gần 2.800 quân, đến ngày 30-4-1975 chỉ còn 17 người sống sót để được chạm tay vào hòa bình.
Ông Bá nhớ lại, vài ngày trước 30-4-1975, chiến trận vẫn còn giằng co rất ác liệt khiến cấp trên phải thay đổi chiến thuật. Lúc đó ông Bá đang làm chính trị viên đại đội, chiến đấu tại ngã ba Trung Lương (Mỹ Tho, Tiền Giang), đoạn cầu Bến Chùa.
Đại đội trưởng vừa hy sinh, nên ông đồng thời phải nhận lãnh cả nhiệm vụ chính trị và quân sự.
Có những người tiếp tục hy sinh sau thời khắc hòa bình trưa 30-4-1975. Như đại đội của ông Bá vẫn tiếp tục chiến đấu tới khoảng 17h ngày 30-4 mới kết thúc khi chiến sĩ thông tin cho biết chính quyền Sài Gòn đã đầu hàng vô điều kiện.
Nghe tin hòa bình thì ông Bá và đồng đội sung sướng vô cùng. Hòa bình cuối cùng cũng đến. Cho nên, ngày 30-4-1975 còn là ngày nhớ ơn của ông Bá và các con, nhớ ơn những người đã ngã xuống.
"Tôi nghĩ gì trong ngày 30-4 ư? Tôi nghĩ đến những đồng đội đã hy sinh, tôi biết ơn những người đã ngã xuống, để con cháu chúng ta được hưởng hòa bình, hạnh phúc hôm nay", ông Bá nói.
Học thuộc lòng bài báo về đại đội 320 anh hùng
Sau ngày đất nước thống nhất, tới tháng 9-1975, ông Bá mới về quê, lấy vợ theo "mệnh lệnh" của cha già, xong lại khoác ba lô lên đường vào huyện Mộc Hóa, Long An xây dựng kinh tế cùng địa phương.
Hòa bình yên ổn chưa bao lâu, người lính ấy lại tiếp tục cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, rồi biền biệt làm nghĩa vụ quốc tế tại đất bạn Campuchia. May mắn, trước khi nổ ra chiến tranh biên giới, người vợ trẻ của ông, cũng là một người lính mới xuất ngũ, đã vào thăm ông và mang thai con gái đầu lòng năm 1977.
Ngày ông từ Campuchia trở về thăm gia đình, con gái đã 4 tuổi, nhất định không theo bố, cho tới khi bố dỗ dành cho vầng cơm cháy.
Hai người con sau của ông cũng chỉ gặp bố khi đã 2 - 3 tuổi, vì chiến trận. Tới năm 1990 thì ông chính thức nghỉ hưu với hàm thiếu tá, về công tác tại địa phương, cùng vợ nuôi đàn con thơ trong giai đoạn đất nước còn nghèo khó khi vừa đổi mới.
Nhờ lòng ngưỡng mộ và quý trọng tuổi thanh xuân của bố và đồng đội hiến dâng cho Tổ quốc, các con ông ai cũng phương trưởng, thành đạt. Nhưng điều ông Bá tự hào nhất về các con của mình ấy là họ đều trở thành những con người tử tế, nhân hậu và luôn nuôi dưỡng lòng biết ơn xương máu của cha ông, với các đồng đội của bố.
Biết bố yêu các đồng đội của mình ở sư đoàn 320 vô cùng, chị Trà Giang thấy có bài báo nào về sư đoàn cũng kiếm cho bố đọc.
Năm 2021, có một bài báo đồng đội viết về sư đoàn 320 anh hùng, chị Trà Giang đã ghim lại trên tin nhắn Zalo cho bố tiện mở ra đọc bất cứ lúc nào nhớ đồng đội.
Đến giờ thì người chiến sĩ giải phóng quân năm ấy đã hầu như thuộc nằm lòng bài báo rất dài này.
Cũng nhờ bài báo mà ông hạnh phúc tìm lại được những đồng đội thân thương ít ỏi còn lại, để ngày 30-4 năm nay, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, ông được cùng đồng đội hàn huyên bất tận về những tháng năm tuổi trẻ hiến dâng cho đất nước không thể nào quên.