Ngày 17-5, Quốc hội thông qua nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân

Quốc hội dự kiến thông qua nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân lúc 11h ngày 17-5.
Tối 14-5, phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết việc xây dựng và thông qua nghị quyết cơ chế đặc thù của Quốc hội để hiện thực hóa nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân rất cấp bách và khẩn trương.
Ngày 4-5, Tổng Bí thư Tô Lâm ban hành nghị quyết 68. Ngày 14-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về dự thảo. Quốc hội dự kiến thông qua nghị quyết lúc 11h ngày 17-5.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc xây dựng nghị quyết về cơ chế đặc thù của Quốc hội để nghị quyết 68 đi vào cuộc sống giống như cách Quốc hội làm với nghị quyết 193 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
"Quan điểm của Quốc hội là nghị quyết sẽ chắt lọc, không quá dài và đọc vào nghị quyết người ta sẽ thấy những cái mới về kinh tế tư nhân", ông Mẫn nêu.
Chủ tịch Quốc hội cho hay để nghị quyết đi vào cuộc sống và hạn chế các vướng mắc, chồng chéo phát sinh, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV lần này, Quốc hội sẽ sửa tất cả các luật có liên quan đến kinh tế tư nhân, trong đó có Luật Tố tụng dân sự, Luật Thuế thu nhập, Luật Đầu tư, Đấu thầu, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật Thanh tra…
Đi sâu vào các nội dung cơ bản của nghị quyết, ông Mẫn nhấn mạnh đến việc đưa các nội dung, đột phá tư tưởng của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về kinh tế tư nhân như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, hỗ trợ tài chính tín dụng, mua sắm công, thúc đẩy PPP và đặt hàng doanh nghiệp...
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng đưa cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực. Cơ chế chính sách hỗ trợ hình thành doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp tiên phong.
Quan tâm cải thiện môi trường đầu tư theo phương châm phải bình đẳng giữa tư nhân trong nước cũng tương tự như môi trường hoạt động của doanh nghiệp FDI.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tinh thần nghị quyết sẽ hướng đến thay đổi tư duy quản lý nhà nước. Theo đó "Nhà nước thay vì kiểm soát, giám sát như trước đây, giờ phải chuyển sang kiến tạo, phát triển. Nhà nước không đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không dấn sâu vào sự phát triển của doanh nghiệp".
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan Chính phủ và Quốc hội hoàn thiện dự thảo nghị quyết này trong đêm nay (14-5), trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận, bổ sung và đăng tải để đại biểu góp ý sáng mai.