Ngăn 'làn sóng' bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam

Tại Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, hô hấp mạn tính, ung thư, đái tháo đường là nguyên nhân gây ra gần 80% số ca tử vong.
Bệnh không lây nhiễm đã trở thành một vấn đề cấp bách khi tỉ lệ mắc các bệnh này tăng mạnh trong vài năm vừa qua.
Nguyên nhân chính do đâu, làm sao để ngăn làn sóng bệnh không lây nhiễm này?
Hơn 3 triệu người tăng huyết áp
Theo báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm 2025, với các bệnh không lây nhiễm, khu vực các tỉnh phía Nam đã phát hiện tăng huyết áp hơn 3 triệu người, với hơn 1,4 triệu người được quản lý điều trị (48,5%); tổng số phát hiện bệnh đái tháo đường là hơn 1,2 triệu người, trong đó có hơn 656.000 người được quản lý điều trị (53,1%).
Theo PGS Nguyễn Văn Tân (Trường đại học Y Dược TP.HCM), dù tuổi thọ của người Việt có tăng cao nhưng tình trạng sức khỏe của người cao tuổi tại Việt Nam giảm sút rõ rệt theo độ tuổi. Số lượng người mắc từ 1-2 bệnh là phổ biến nhất chiếm 75,57% tổng số người cao tuổi, trong khi tỉ lệ mắc 3 bệnh trở lên cũng tăng nhẹ ở nhóm tuổi cao nhất đạt 1,34%.
Đáng nói là ngành y tế đang đối mặt với nhiều thách thức, mô hình bệnh tật đã chuyển dịch từ các bệnh nhiễm trùng sang bệnh không lây nhiễm mạn tính như: tim mạch, đái tháo đường và các rối loạn tâm thần.
Những bệnh lý này không chỉ gây suy giảm chức năng mà còn làm tăng nguy cơ tàn tật, điển hình như mất thị lực, thính lực, đau mạn tính, ảnh hưởng đến chất lượng sống.
Chi phí chăm sóc sức khỏe trong nhóm dân số này cao gấp 7-8 lần so với trẻ em, tạo ra gánh nặng tài chính.
PGS Đỗ Kim Quế, phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), cho rằng nguyên nhân khiến tỉ lệ bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi tăng là chủ yếu do gia tăng tuổi thọ.
Ngoài ra còn do lối sống hiện nay, ngày càng ít vận động hơn; áp lực cuộc sống, căng thẳng, stress kéo dài cũng dễ dẫn đến thúc đẩy các bệnh lý trên. Thêm vào đó, chế độ ăn uống, dinh dưỡng không lành mạnh, thực phẩm bẩn, thức ăn nhanh... góp phần gia tăng các bệnh lý này.
Nhiều người Việt có hàm lượng cholesterol trong máu cao
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) có cảnh báo về rối loạn mỡ máu, hay còn gọi là tăng hàm lượng lipid trong máu, đó là một dạng bệnh lý mà chúng ta thường gọi là rối loạn mỡ máu.
Rối loạn mỡ máu đang trở thành một vấn đề sức khỏe đáng lo ngại trong cộng đồng hiện đại và là loại bệnh không nhiễm trùng rất nguy hiểm của con người.
Theo số liệu từ các cuộc điều tra gần đây, chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây tỉ lệ người có cholesterol máu cao (cholesterol toàn phần từ 5,0 mmol/L trở lên hoặc đang phải dùng thuốc điều trị) đã tăng vọt từ 30,2% lên đến 44,1%.
Sự gia tăng nhanh chóng này đồng nghĩa với việc gần một nửa dân số Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn của các bệnh tim mạch nguy hiểm có nguyên nhân từ rối loạn mỡ máu như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
PGS Nguyễn Hoài Nam, phó chủ tịch Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam, cho hay trong khoa học gọi là rối loạn chuyển hóa lipid, còn dân gian thường gọi là rối loạn mỡ máu.
Trong rối loạn chuyển hóa lipid có rối loạn chuyển hóa cholesterol và các loại mỡ khác, trong đó có triglyceride. Hiện nay các thầy thuốc đang chú trọng vào hai loại mỡ chính trong cơ thể bệnh nhân là cholesterol và triglyceride.
Trong cholesterol cũng có hai loại đó là cholesterol có trọng lượng phân tử cao (HDL) và cholesterol có trọng lượng phân tử thấp (LDL).
Trong khi LDL cholesterol là tác nhân trực tiếp gây ra tình trạng xơ vữa động mạch, nếu kết hợp với tình trạng viêm và tổn thương của thành mạch, có thể gây ra cao huyết áp và tai biến mạch máu não hoặc bị nhồi máu cơ tim.
Còn HDL cholesterol lại là loại cholesterol tốt cho cơ thể, chống lại tình trạng xơ vữa động mạch. Các loại mỡ khác trong đó chủ yếu là triglyceridel lại là loại rối loạn chuyển hóa mỡ thường hay gặp và có thể gây nên xơ vữa động mạch.
Người ta thấy 75% các loại HDL, LDL, triglyceride là do gan tổng hợp, gọi là lipid nội sinh. Trong khi đó 25% còn lại là do thức ăn từ ngoài đưa vào theo đường tiêu hóa, hay còn gọi là lipid ngoại sinh. Trong đó, đáng lưu ý là những loại thức ăn có nhiều lipid và cholesterol như trứng, mỡ, nội tạng, động vật...
Nguyên nhân của rối loạn chuyển hóa lipid gồm có những nguyên nhân không thể thay đổi được như tuổi tác.
Kế đến là nguyên nhân do di truyền, cũng không thay đổi được. Thông thường trong gia đình người mẹ bị tăng cholesterol cao thì hay truyền cho con, đặc biệt là con gái.
Ngoài ra còn có những bệnh lý về gan mật, gan nhiễm mỡ... cũng sẽ tăng cường sản xuất cholesterol sẽ làm tăng cholesterol nội sinh.
Nguyên nhân cuối cùng có thể can thiệp được là thức ăn. Nên ăn nhiều rau và trái cây để có thể hạn chế được cholesterol.
Để phòng tránh rối loạn mỡ máu, TS Hoài Nam khuyên người dân nên hạn chế ăn các loại thức ăn dễ gây cholesterol, nên ăn các món ăn truyền thống của dân tộc như rau, cá...
Theo tinh thần của Hội nghị khoa học tim mạch thế giới lần thứ 19 tổ chức ở Jakarta (Indonesia) từ năm 1997: "Hãy ăn theo truyền thống ông bà chúng ta xưa nay ăn cái gì thì chúng ta ăn cái ấy".