Nhảy đến nội dung
 

Ngân hàng có vốn điều lệ từ 50.000 tỉ được sản xuất vàng miếng

Ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép sản xuất vàng miếng khi có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; có vốn điều lệ từ 50.000 tỉ đồng trở lên.

Hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng vừa được công bố.

Cùng với đề xuất bãi bỏ quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, trong lần sửa đổi này, Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất bổ sung điều kiện cấp giấy phép sản xuất vàng miếng.

Cụ thể, doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép sản xuất vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; có vốn điều lệ từ 1.000 tỉ đồng trở lên.

Không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng nhưng đã thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính, các kiến nghị có thời hạn thực hiện tại kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có); có quy trình nội bộ quy định về sản xuất vàng miếng.

Tương tự, ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép sản xuất vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; có vốn điều lệ từ 50.000 tỉ đồng trở lên.

Không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng nhưng đã thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính, các kiến nghị có thời hạn thực hiện tại kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có); có quy trình nội bộ quy định về sản xuất vàng miếng.

Ngân hàng Nhà nước quy định thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép sản xuất vàng miếng. 

"Việc quy định các điều kiện để đảm bảo ngân hàng thương mại, doanh nghiệp sản xuất vàng miếng là các tổ chức có kinh nghiệm, đủ năng lực tài chính, tuân thủ pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng để thực hiện sản xuất vàng miếng", Ngân hàng Nhà nước lý giải.

 "Vốn điều lệ từ 1.000 tỉ mới được sản xuất vàng miếng là quá chặt"

Góp ý vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, việc yêu cầu doanh nghiệp sản xuất vàng miếng phải có thêm giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng là chưa hợp lý, bởi đây là 2 loại hình hoạt động khác nhau.

Sản xuất là hoạt động trong khâu đầu của chuỗi cung ứng, còn mua, bán là hoạt động thương mại. Việc gộp 2 loại giấy phép vào một yêu cầu làm phát sinh hiện tượng "giấy phép lồng trong giấy phép", gây tăng chi phí tuân thủ và thời gian làm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Còn với quy định doanh nghiệp phải có vốn điều lệ từ 1.000 tỉ đồng trở lên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là quá chặt, rào cản quá lớn, sẽ loại bỏ phần lớn doanh nghiệp khỏi khả năng tham gia thị trường.

Việc này có thể dẫn đến tình trạng chỉ có một số ít doanh nghiệp có thể tham gia thị trường, làm hạn chế tính cạnh tranh, từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi, sự lựa chọn của người dân.

Trong công văn gửi góp ý gửi Ngân hàng Nhà nước hồi giữa tháng 6, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề nghị không nên bổ sung tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại tham gia sản xuất, kinh doanh vàng miếng.

Theo luật Các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại không có chức năng, nhiệm vụ sản xuất vàng. Nếu để các ngân hàng thương mại tham gia sản xuất, kinh doanh vàng miếng, các ngân hàng buộc phải sử dụng nguồn vốn khá lớn (đầu tư nhà xưởng, máy móc, đào tạo tay nghề công nhân) đầu tư vào lĩnh vực không thuộc chức năng, nhiệm vụ chính.

Các ngân hàng thương mại không phải tổ chức chuyên sâu về sản xuất kinh doanh vàng. Lịch sử đã chứng minh giai đoạn trước năm 2012, có nhiều ngân hàng thương mại sản xuất, kinh doanh vàng miếng không hiệu quả như Agribank, Sacombank, ACB. Một số ngân hàng thương mại đã để lại hậu quả ngoài mong muốn kéo dài.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn