Nhảy đến nội dung

Ngân hàng chia cổ tức: Nơi 'mưa' tiền mặt, chỗ không đồng nào

Cổ đông sắp nhận được "cơn mưa" tiền mặt từ chia trả cổ tức ngân hàng. Tuy nhiên, cũng có những ngân hàng có nguồn lợi nhuận giữ lại các năm lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng không chia cổ tức.

"Cơn mưa" tiền mặt từ cổ tức

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) vừa có Nghị quyết về việc triển khai kế hoạch chi trả cổ tức năm 2024 bằng tiền theo phương án đã được Đại hội đồng thường niên năm 2025 thông qua. Ngày thanh toán 28/5, tỷ lệ thực hiện 25%, tức 1 cổ phiếu sẽ được nhận 2.500 đồng. Theo đó, tổng số tiền LPBank chi trả cổ tức trong đợt này là 7.468 tỷ đồng. Được biết, LPBank là ngân hàng có mức chi trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ cao nhất trong năm nay.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, ông Nguyễn Đức Thuỵ - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) LPBank cho biết, năm ngoái, ngân hàng đã cam kết chia cổ tức không dưới 18%. HĐQT cũng mong muốn chia cổ tức càng cao càng tốt trong những năm tới. Năm sau có thể chia 20% bằng tiền hoặc 5-7% bằng cổ phiếu. Ban lãnh đạo cũng mong cổ đông LPBank đóng góp thêm bằng việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng nhiều hơn nữa.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng thông báo 16/5 là ngày đăng ký cuối cùng để hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt. Cổ tức sẽ được thanh toán vào ngày 23/5. Với tỷ lệ chi trả là 5%/mệnh giá (500 đồng/cổ phiếu), số tiền mà VPBank dự kiến dùng để chia cổ tức là 3.967 tỷ đồng.

Đây là năm thứ ba liên tiếp VPBank trả cổ tức tiền mặt. Trước đó, năm 2024, VPBank đã chi tới 7.934 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 10%. Tổng cộng ba năm, ngân sách dành cho cổ tức tiền mặt đã đạt gần 20.000 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) mới đây cũng đã công bố chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10% vào ngày 14/5. Ngày thanh toán cổ tức là 23/5. Với tỷ lệ 10%/mệnh giá (1.000 đồng/cổ phiếu), dự kiến TPBank sẽ chi 2.642 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 23/4 để trả cổ tức tiền mặt năm 2024 với tỷ lệ 7%. VIB dự kiến chi 2.085 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 7% (1 cổ phiếu nhận 700 đồng). Thời gian thanh toán cổ tức là ngày 23/5.

Nơi ngậm ngùi

Ngân hàng SeABank có lợi nhuận còn lại sau khi nộp thuế và trích lập các quỹ năm 2024 của ngân hàng là hơn 3.620 tỷ đồng; lợi nhuận chưa phân phối lũy kế còn lại sau khi trích lập các quỹ là hơn 3.740 tỷ đồng.

SeABank cho biết, phần lợi nhuận chưa phân phối lũy kế còn lại sau khi trích lập các quỹ năm 2024 sẽ được giữ lại, không chia cổ tức trong năm nay nhằm tăng cường năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho Ngân hàng thời gian tới.

Ngân hàng ABBank đề xuất để lại toàn bộ số lợi nhuận còn lại chưa phân phối nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của Ngân hàng này trong năm 2024 là hơn 470 tỷ đồng. Cùng với lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa sử dụng, tổng lợi nhuận chưa phân phối của ABBank đang là 2.311 tỷ đồng. Tuy nhiên, ABBank chưa chia cổ tức.

Sacombank chưa có kế hoạch chia cổ tức trong năm 2025, dù lợi nhuận giữ lại lũy kế của nhà băng này ở mức “khủng” gần 25.352 tỷ đồng. Đây là năm thứ 9, ngân hàng này không chia cổ tức cho cổ đông, do ngân hàng chưa hoàn tất tái cấu trúc.

Eximbank ghi nhận lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ của năm 2024 là hơn 2.430 tỷ đồng, lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối đến năm 2024 là 2.526 tỷ đồng. Song ngân hàng này cho biết sẽ không thực hiện chia cổ tức năm ngoái nhằm củng cố năng lực tài chính.