Ngai vàng triều Nguyễn bị bẻ gãy: Sẽ dùng rào cảm biến bằng AI để bảo vệ

Sau vụ việc ngai vàng vua Nguyễn bị xâm hại, dư luận đã đặt ra nhiều câu hỏi về công tác quản lý, bảo vệ hiện vật của cơ quan quản lý.
Ngày 27.5, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã có những thông tin phản hồi, làm rõ những vấn đề mà dư luận đang quan tâm đến vụ bảo vật quốc gia ngai vàng triều Nguyễn bị xâm hại (hôm 24.5).
Theo ông Trung, trung tâm đang thành lập hội đồng chuyên môn để đánh giá hiện trạng của ngai vua triều Nguyễn, sau đó xây dựng phương án sửa chữa theo đúng nghị định của pháp luật.
Trả lời câu hỏi vì sao không trưng bày bảo vật quốc gia ngai vàng triều Nguyễn trong tủ kính?, người đứng đầu Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho rằng việc này đơn vị cũng từng đưa ra thảo luận, tuy nhiên khi lấy các ý kiến đều không phù hợp với không gian trưng bày hiện tại.
"Vì bảo vật quốc gia là hệ thống lớn nên trưng bày tủ kính sẽ ảnh hưởng không gian di sản. Ví dụ nếu làm hàng rào cao 1,8 m thì làm hỏng cả không gian điện Thái Hòa. Trước khi trưng bày tại điện Thái Hòa, đơn vị đã xây dựng phương án rất cụ thể và đồng bộ. Quần thể di tích cố đô Huế rất rộng lớn, vì vậy phải có những giải pháp phù hợp đối với việc tham quan, hiện vật… Từng nhóm hiện vật sẽ có những cách quản lý rất cụ thể", ông Trung nói.
Ông Trung cho rằng, việc bảo quản hiện vật được kế thừa hàng chục năm nay, qua từng giai đoạn. Đối với những hiện vật, bảo vật quốc gia thì cứ định kỳ hàng tuần cán bộ chuyên môn của bảo tàng sẽ đến lau chùi vệ sinh, xem hiện trạng của các hiện vật. Mỗi loại sẽ có một quy trình bảo vệ riêng.
Thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ nghiên cứu áp dụng công nghệ cảm biến để cảnh báo các hành vi bất thường xâm phạm hiện vật.
"Một trong những giải pháp mà chúng tôi đưa ra là dùng rào cảm biến bằng AI. khi có người đi qua khu vực cấm, hàng rào ảo đó sẽ nhận diện rồi cảnh báo. Sau sự việc xảy ra, tôi đã tìm đến các chuyên gia công nghệ để học và sẽ thí điểm ngay để tìm giải pháp phù hợp", ông Trung chia sẻ.
Theo ông Trung, hằng năm lực lượng bảo vệ di tích được cơ quan công an hỗ trợ tập huấn, trước đây bảo vệ được trang bị công cụ hỗ trợ như roi điện, tuy nhiên vì quá cũ nên đã thu hồi. "Vừa rồi anh em có đề xuất mua roi điện lại, tuy nhiên phải có lớp tập huấn sử dụng, sau khi tập huấn xong mới có chủ trương phê duyệt để mua. Ngoài ra anh em cũng cũng được tập huấn về phòng cháy chữa cháy và cách ứng xử".