Ngai vàng 'nhí' cho vị vua thiếu niên Duy Tân

So với ngai vàng vua triều Nguyễn, ngai vàng của vua Duy Tân (người lên ngôi năm 7 tuổi) nhỏ hơn nhiều. từng được xác định là ngai thờ
Bảo vật quốc gia Ngai vàng hoàng đế Duy Tân hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (TP.Huế).
Trước khi được đưa về đây vào năm 1994, hiện vật này được lưu giữ tại kho di tích Triệu Miếu (Hoàng thành Huế).
Hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết, do có xuất xứ từ Triệu Miếu và căn cứ trên hồ sơ hiện vật hiển thị là ngai thờ; nên trong giai đoạn từ năm 1995 - 2022, chiếc ngai này vẫn được xác định là ngai thờ. Chỉ sau đợt khảo sát nghiên cứu 2023, chiếc ngai mới được bổ sung hồ sơ, được khẳng định là ngai vàng hoàng đế Duy Tân có niên đại khoảng năm 1907.
Theo Đại Nam thực lục, Hoàng đế Duy Tân lên ngôi ngày 28.7 năm Đinh Tỵ (5.9.1907), là hoàng đế thứ 11 của triều Nguyễn (1802 - 1945) khi ông mới 7 tuổi. Để phù hợp với vóc dáng của hoàng đế, triều đình đã cho đặc chế chiếc ngai với kích thước nhỏ dùng trong lễ đăng quang của nhà vua. Hình ảnh tư liệu cho thấy vị hoàng đế nhỏ tuổi ngồi trên chiếc ngai này.
Về kích thước, ngai hoàng đế triều Nguyễn tại điện Thái Hòa (bảo vật quốc gia từ 2015) có chiều cao 101 cm, chiều dài 87 cm và rộng 72cm. Trong khi đó, ngai hoàng đế Duy Tân có chiều cao 94,5 cm, dài 50,5 cm và rộng 62,2 cm. Như vậy, ngai vàng hoàng đế triều Nguyễn lớn hơn ngai vàng hoàng đế Duy Tân.
Cũng theo hồ sơ bảo vật quốc gia, ngai hoàng đế Duy Tân gồm 3 phần.
Phần đỉnh ngai là vị trí cao nhất của ngai có hình tượng mặt trời gồm 5 tia lửa, mỗi tia được bắt nguồn từ hoa văn xoáy tròn bao quanh mặt trời; bao bọc xung quanh tia lửa và mặt trời là kiểu thức họa tiết hình dải mây với điểm đầu và điểm kết thúc được cách điệu thành 2 đám mây đối xứng.
Phần giữa gồm 3 bộ phận: tay ngai, lưng ngai, mặt ngai. Tay và lưng ngai kết hợp với nhau tạo thành một bức phù điêu hình vòng cung, chạm nổi, chạm lộng các đề tài trang trí biểu trưng cho vương quyền và sự trường tồn. Trong đó, tay ngai và lưng ngai được liên kết với nhau bằng 2 hình tượng rồng bố trí đăng đối, chính giữa lưng ngai là hai biểu tượng chữ Thọ cách điệu. Mặt ngai được sơn son với các đường chỉ thếp vàng.
Phần dưới gồm 3 phần: cổ ngai, diềm ngai và chân ngai. Cổ ngai có chạm lộng đồ án lưỡng long chầu thọ ở phía trước. Diềm chính của ngai có trang trí mặt hổ phù (hình tượng mặt rồng ngang). Tương tự 2 đầu rồng ở tay ngai, 2 mắt của mặt hổ phù được làm bằng xà cừ, cố định với phần gỗ bằng 2 vít sừng. Hai mặt diềm hai bên chạm lộng chi tiết chim phụng, với hướng đầu quay về phía sau của ngai theo đề tài "Phụng hàm thư" (phượng hoàng ngậm dải lụa quấn pho sách). Chân ngai có chạm nổi mặt rồng và chân có 5 móng.
Chiếc ngai còn lại
Về giá trị nổi bật của ngai vàng hoàng đế Duy Tân, hồ sơ bảo vật quốc gia nhấn mạnh vào việc hiện vật được chế tác dựa trên những nguyên tắc cơ bản của điển chế triều đình về chế tạo đồ ngự dụng. Bất chấp việc dưới thời hoàng đế Duy Tân (1907 - 1916), chính quyền Nam triều chịu sự can thiệp và áp đặt ngày càng sâu của thực dân Pháp, do ngai vàng mang ý nghĩa biểu tượng quyền lực của vương triều, gắn liền với vua nên Tất Tượng Cục (quan xưởng chuyên sản xuất đồ gỗ sơn thếp của hoàng cung triều Nguyễn) vẫn đảm bảo các nguyên tắc của điển chế.
Chính vì thế, theo hồ sơ bảo vật, ngai hoàng đế Duy Tân được trang trí với đồ án chủ đạo là rồng 5 móng. Ở điểm tì tay, rồng được tạo hình trong tư thế đầu rồng ngẩng cao. Rồng ở phần bệ ngai chạm nổi gồ ghề, mang vẻ uy nghi, kết hợp với hình tượng chim phụng thể hiện dáng điệu thăng hoa, viên mãn. Rồng cũng có thể được thể hiện độc lập hoặc kết hợp với phượng hoàng, dơi, hoa lá, mây, viên ngọc, minh văn… để thể hiện ước vọng trường tồn, mang ý nghĩa cầu phúc, cầu thọ và những điều tốt đẹp…
Cũng tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, hiện còn một chiếc ngai nữa cũng có kích cỡ nhỏ. Điều này từng làm nhiều người đặt câu hỏi về sự tồn tại cùng lúc của 2 chiếc ngai.
Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc, người phục dựng nhiều mũ vua quan triều Nguyễn, đã khảo cứu ảnh, tranh vẽ hoàng đế Duy Tân với mũ áo đại triều ngồi trên ngai vàng (được nhà Sotheby's đấu giá thành công cuối năm 2021) và 2 hiện vật này.
Theo khảo cứu, mặc dù chất lượng ảnh hơi kém nhưng cũng thấy rõ 2 chiếc ngai giống nhau ở lưng ngai. Phía trên chúng đều có một hình mặt trời và ở dưới là hình chữ thọ. Riêng mặt trời còn thấy rất rõ có 5 tia chếch lên, trong đó 1 tia ở trên là trung tâm và đối xứng mỗi bên là 2 tia, rồi tất cả được bao quanh là các dải mây đối xứng và có bố cục trông như một bông hoa theo lối bổ dọc. Còn phần bệ ngồi và đế thì một ảnh cho thấy bệ có kiểu chân quỳ. Đế hình chữ nhật, ngai được đặt ở trên chiếm phân nửa chiều dài thuộc phía sau, phân nửa còn lại thuộc phía trước có gắn 2 con lân và chân của hoàng đế đang gác lên.
Sau cùng, nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc "chốt" được chiếc ngai vàng của hoàng đế Duy Tân trong 2 chiếc ngai ở bảo tàng. Ông cho rằng điều sẽ này gợi mở ra những nghiên cứu tiếp theo. "Còn lại chiếc ngai thứ hai mà Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế lưu giữ, với bằng chứng chiếc ngai của hoàng đế Duy Tân nêu trên cũng đã cho phép đặt vấn đề, liệu có phải của một hoàng đế trẻ tuổi nào khác hay không, trong khi một vài nhà nghiên cứu cho là ngai thờ", ông Lộc nêu ý kiến. (còn tiếp)