Nhảy đến nội dung

Nga: NATO đưa quân đến Ukraine có thể châm ngòi Thế chiến III

TPO - Việc triển khai quân đội nước ngoài tới Ukraine có thể dẫn đến xung đột giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cuối cùng là Thế chiến III, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Sergey Shoigu cảnh báo. Theo quan chức này, thuật ngữ "lực lượng gìn giữ hòa bình" đang được phương Tây sử dụng như một vỏ bọc cho mục tiêu thực sự là thiết lập quyền kiểm soát đối với Ukraine.

TPO - Việc triển khai quân đội nước ngoài tới Ukraine có thể dẫn đến xung đột giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cuối cùng là Thế chiến III, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Sergey Shoigu cảnh báo. Theo quan chức này, thuật ngữ "lực lượng gìn giữ hòa bình" đang được phương Tây sử dụng như một vỏ bọc cho mục tiêu thực sự là thiết lập quyền kiểm soát đối với Ukraine.
Nga: NATO đưa quân đến Ukraine có thể châm ngòi Thế chiến III ảnh 1

Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Sergey Shoigu. (Ảnh: Reuters)

Các nhà lãnh đạo quốc phòng từ một số quốc gia thành viên NATO - do Anh và Pháp dẫn đầu - đã thảo luận về ý tưởng bố trí lực lượng "gìn giữ hòa bình" tại Ukraine. Họ tuyên bố quân đội sẽ góp phần đảm bảo "hòa bình lâu dài" giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, Nga bác bỏ việc triển khai lực lượng NATO theo "liên minh tự nguyện" tới Ukraine dưới bất kỳ lý do nào.

Trong một cuộc phỏng vấn được hãng thông tấn Tass công bố ngày 24/4, ông Shoigu tuyên bố sự hiện diện của "lực lượng gìn giữ hòa bình" nước ngoài có thể gây ra một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mátxcơva và NATO, có khả năng leo thang thành Thế chiến III.

Thuật ngữ "lực lượng gìn giữ hòa bình" đang được sử dụng để che giấu mục tiêu thực sự là giành quyền kiểm soát lãnh thổ và tài nguyên của Ukraine, ông Shoigu nhận định.

Ông cũng lưu ý rằng Nga đã phản đối sự hiện diện của lực lượng quân sự NATO tại Ukraine ngay cả trước khi các cuộc giao tranh bắt đầu. Một trong những lý do chính buộc Nga phải tiến hành hoạt động quân sự vào tháng 2/2022 là do mối đe dọa về việc cơ sở hạ tầng quân sự của NATO được triển khai đến Ukraine, ông Shoigu nói.

"Trong trường hợp các quốc gia nước ngoài có hành động thù địch gây đe dọa đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga, đất nước chúng tôi có quyền áp dụng các biện pháp đối xứng và không đối xứng cần thiết để ngăn chặn các hành động đó và ngăn ngừa chúng tái diễn", ông Shoigu nói.

Theo ông, trước khi các cuộc giao tranh nổ ra, Anh đã xây dựng một căn cứ hải quân tại thành phố Ochakov, thuộc tỉnh Nikolayev của Ukraine. Ông tuyên bố rằng cơ sở này được sử dụng để huấn luyện lực lượng đặc nhiệm hải quân Ukraine, và đóng vai trò là nền tảng để tiến hành các hoạt động chống lại Nga.

Vào tháng 1/2024, Kiev và London đã ký thỏa thuận Đối tác 100 năm, trong đó cam kết sẽ tìm hiểu khả năng thiết lập cơ sở hạ tầng quốc phòng tại Ukraine - bao gồm các căn cứ quân sự, trung tâm hậu cần và kho dự trữ thiết bị.

Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết vào tháng trước, rằng hai nước sẵn sàng lãnh đạo liên minh các nước châu Âu hỗ trợ Kiev bằng lực lượng bộ binh và máy bay, nếu và khi Ukraine và Nga đạt được lệnh ngừng bắn.

Mátxcơva đã cảnh báo về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine, nói rằng họ sẽ bị coi là mục tiêu hợp pháp trong các cuộc tấn công. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cáo buộc phương Tây muốn gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine nhằm mục đích củng cố sự hiện diện chống Nga ở đó, thay vì theo đuổi một giải pháp thực sự.

Minh Hạnh
Theo RT, Reuters