Nga bất ngờ gửi sang Việt Nam hàng triệu tấn hàng với giá rẻ hấp dẫn: Trữ lượng của Moscow đủ dùng trong 500 năm, nước ta nhập khẩu đứng thứ 5 thế giới

Kể từ đầu năm đến nay, hơn 2,6 triệu tấn hàng này đã được Nga đưa về Việt Nam.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Cục Hải quan, nhập khẩu than của Việt Nam trong tháng 5 đạt hơn 7,2 triệu tấn với trị giá hơn 685 triệu USD, tăng nhẹ 0,6% về lượng nhưng giảm 2,9% về trị giá so với tháng trước đó.
Lũy kế trong 5 tháng đầu năm, nước ta đã nhập khẩu hơn 31,6 triệu tấn than với trị giá hơn 3,2 tỷ USD, tăng 16,2% về lượng và giảm 8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.
Xét về thị trường, Indonesia đang trở thành nhà cung cấp than lớn nhất của Việt Nam với hơn 12 triệu tấn, trị giá hơn 1,2 tỷ USD, tăng 13% về lượng nhưng giảm 4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá giảm 14% so với cùng kỳ, đạt bình quân 80 USD/tấn.
Đứng thứ 2 trong số các thị trường là Úc với hơn 9,9 triệu tấn, trị giá hơn 1,2 tỷ USD, tăng mạnh 42% về lượng và tăng 2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá giảm mạnh 27%, đtạ hơn 122 USD/tấn.
Nga là nhà cung cấp than lớn thứ 3 cho Việt Nam với hơn 2,6 triệu tấn, trị giá hơn 360 triệu USD, tăng 8% về lượng nhưng giảm 23% về trị giá so với cùng kỳ. Giá cũng giảm mạnh 30% so với cùng kỳ năm trước, đạt bình quân 135 USD/tấn.
Nổi bật nhất trong số các nhà cung cấp than cho Việt Nam là Nga. Quốc gia này hiện đang nắm giữ trữ lượng than đủ để khai thác trong hơn 500 năm, theo bài viết của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đăng trên tạp chí Energy Policy.
Phó Thủ tướng Novak cho biết việc phát triển các trung tâm khai thác than mới sẽ giúp tăng thêm 250 triệu tấn công suất sản xuất vào năm 2050. Ông nhấn mạnh rằng ưu tiên hàng đầu là đảm bảo việc khai thác trữ lượng than được thực hiện một cách an toàn và thân thiện với môi trường.
Theo ông Novak, đến năm 2050, ngành công nghiệp than của Nga sẽ bao gồm các doanh nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn môi trường. Công suất phát điện từ than tại các khu vực Siberia và Viễn Đông dự kiến đạt khoảng 38 gigawatt.
Ngoài ra, Nga cũng có kế hoạch triển khai các công nghệ "than sạch" và những phương pháp khai thác than tiên tiến nhằm phát triển đa dạng các sản phẩm từ chế biến than và chất thải than, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hóa học than.
Chiến lược năng lượng của Nga đến năm 2050 đặt mục tiêu sản lượng than đạt 530,1 triệu tấn vào năm 2030 và tăng lên 662 triệu tấn vào năm 2050. Trong năm 2024, sản lượng than của nước này đã đạt 443,5 triệu tấn.
Phó Thủ tướng Novak nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp than tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với một số khu vực và nền kinh tế quốc gia nói chung.
Ông Novak khẳng định Nga sở hữu nguồn tài nguyên trong đó có trữ lượng lớn và mọi cơ hội để khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên này nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước một cách đáng tin cậy và mở rộng nguồn cung xuất khẩu.
Việt Nam hiện là nước nhập khẩu than lớn thứ 5 thế giới. Trong những năm gần đây, nguồn cung than nhập khẩu chính của Việt Nam đến từ Indonesia, Australia và Nga. Việt Nam phải nhập khẩu than dù là nước sản xuất mặt hàng này lâu đời là do nguồn cung trong nước không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Phần lớn than khai thác trong nước đóng vai trò phụ trợ, phù hợp với xi măng hoặc sản xuất nhỏ. Trong khi đó, nhiệt điện hiện đại yêu cầu loại than có năng suất tỏa nhiệt cao, đồng nhất và ít tạp chất.
Mặt khác, do trữ lượng dễ khai thác trong nước đang dần cạn kiệt, nhiều mỏ buộc phải đào sâu hơn, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả. Trong khi đó, nhập khẩu than giá rẻ giúp doanh nghiệp linh hoạt về nguồn cung, đồng thời tiết kiệm chi phí sản xuất.