Nên chống tốc mái bằng bao cát hay túi nước?

Nhưng hàng xóm phản đối cách làm này. "Bao nước rất dễ vỡ, không có tác dụng gì đâu, phải bao cát mới chắc!", người này nói. Ông Trọng, 56 tuổi, phân trần: "Tôi không có sức khuân bao cát, nhà chỉ còn tôi với bà già yếu, dùng nước cho nhanh".
Câu chuyện của ông Trọng cũng là chủ đề tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội hơn một ngày qua.
Theo ông Đinh Bá Vinh, Phó giám đốc kỹ thuật, doanh nghiệp xã hội Nhà Chống Lũ, cả hai phương án (bao cát và bao nước) đều có thể sử dụng nếu đảm bảo ba nguyên tắc quan trọng: Vật gia cố phải có trọng lượng từ 20-30 kg; Phải được đặt đúng trên các thanh xà gồ để phân bổ lực và giữ mái hiệu quả; Vật gia cố phải cố định tại vị trí đặt.
"Nhiều người nghĩ chỉ cần đặt vật nặng lên mái là chống được tốc mái. Nhưng nếu không đủ trọng lượng, vật đè có thể vô dụng. Vật đè nặng, đặt sai vị trí có thể làm bẹp tôn, vỡ fibro", ông Vinh cảnh báo.
Túi nước: Tiện thao tác, dễ dọn dẹp
Túi nước là giải pháp được nhiều người lựa chọn vì thuận tiện và cơ động, đặc biệt trong điều kiện nhà chỉ có người già, phụ nữ hoặc thiếu lao động. Người dùng chỉ cần đưa túi nhựa dày hoặc can nhựa lên mái, bơm nước vào cho đủ trọng lượng, buộc kín và cố định đúng chỗ.
Sau bão, việc thu dọn cũng dễ dàng: chỉ cần xả nước là có thể tháo dỡ mà không cần mang vác nặng.
Tuy nhiên, túi nước có nhược điểm là nếu bị vật sắc nhọn làm thủng, nước rò rỉ sẽ khiến mái trơn trượt, túi mất tác dụng. Trong trường hợp gió mạnh, túi rỗng có thể bị thổi bay, gây thêm nguy hiểm. Chính vì thế, chuyên gia khuyên nên dùng túi dày, tránh tiếp xúc trực tiếp với vật sắc, buộc kín miệng và cố định vào thanh xà gồ bằng dây.
Bao cát: Chắc chắn nhưng tốn sức và khó dọn
Bao cát là phương án truyền thống, thường được người dân tin dùng vì độ nặng ổn định và khả năng chống chịu tốt hơn với các tác động mạnh. Nếu bị đâm thủng, cát ít khi chảy hết ra ngoài nên vẫn giữ được phần nào tác dụng.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn là phải xúc cát, cho vào bao và đưa lên mái, tốn công sức. Ngoài ra, bao cát nếu để lâu ngày trên mái, nhất là sau bão, dễ bị ngấm nước mưa, làm mục mái tôn, trần gỗ hoặc gây thấm dột.
Một số người cho rằng bao cát khi ngấm nước sẽ nặng hơn và giữ mái tốt hơn. Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Vinh, trọng lượng tăng thêm là không đáng kể, trong khi bao ướt lại dễ rách và khó gỡ bỏ sau mưa.
"Trong điều kiện cấp bách, không cần tranh cãi cát hay nước. Cái gì có sẵn tại chỗ, dễ làm và phù hợp với thể trạng người trong nhà, thì nên chọn cái đó", ông Vinh nói.
Tuy nhiên, bao cát hay túi nước chỉ là biện pháp tạm thời. Quan trọng nhất là phải gia cố hệ kết cấu mái ngay từ đầu mùa bão để giảm thiểu thiệt hại lâu dài.
"Gió giật cấp 10-12 thì không có túi nào giữ được nếu mái yếu. Tư duy chống bão phải đi từ kết cấu, không phải chỉ dựa vào vật đè", chuyên gia nhấn mạnh.
Phạm Nga