Nhảy đến nội dung
 

Thế nào là một cổ phiếu rẻ?

Các nhà đầu tư, giống như người tiêu dùng, thích một món hời, giá tốt và ghét trả quá nhiều tiền. Đó là lý do tại sao, khi đánh giá các khoản đầu tư tiềm năng, các nhà phân tích tài chính thường sử dụng những cụm từ quen thuộc như "cổ phiếu rẻ", "cổ phiếu bị định giá thấp" hoặc "cổ phiếu được bán với giá chiết khấu".

Tuy nhiên đây không phải là nhận định hay đánh giá chủ quan, mà có thể xác định thông qua các công thức định lượng rõ ràng. Phổ biến nhất là chỉ số P/B và P/E.

Chỉ số P/B (Price-to-Book) là tỷ lệ được sử dụng để so sánh giá của một cổ phiếu với giá trị sổ sách của cổ phiếu đó. Tỷ lệ này được tính toán bằng cách lấy giá đóng cửa hiện tại của cổ phiếu chia cho giá trị ghi sổ tại quý gần nhất của cổ phiếu đó.

Công thức tính chỉ số P/B = Giá cổ phiếu / (Tổng giá trị tài sản - giá trị tài sản vô hình - nợ)

Ví dụ: Một công ty A có giá trị tài sản ghi nhận trên bảng cân đối kế toán là 200 tỷ đồng, tổng nợ 150 tỷ đồng, như vậy giá trị ghi sổ của công ty là 50 tỷ. Hiện tại công ty có 2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, như vậy giá trị ghi sổ của mỗi cổ phiếu là 25.000 đồng. Nếu giá thị trường của cổ phiếu A đang là 50.000 đồng, P/B của cổ phiếu được tính như sau: P/B = 50.000/25.000 = 2 (lần).

Chỉ số P/E (Price to Earning) là chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) với thu nhập trên một cổ phiếu (EPS). Ý nghĩa của chỉ số này thể hiện mức giá mà bạn sẵn sàng bỏ ra cho một đồng lợi nhuận thu được từ cổ phiếu hay bạn sẵn sàng trả giá bao nhiêu cho cổ phiếu của một doanh nghiệp dựa trên lợi nhuận (thu nhập) của doanh nghiệp đó.

Công thức tính chỉ số P/E = Giá thị trường của cổ phiếu / Thu nhập trên một cổ phiếu

Ví dụ: Giá thị trường tại thời điểm 31/12/2024 của cổ phiếu A là 50.000 đồng, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong năm của công ty này là 4.500 đồng. Như vậy, P/E của cổ phiếu A là hơn 11,1 (lần).

Sau khi tính toán xong các chỉ số định giá kể trên, các chuyên gia thường mang ra so sánh với các công ty cùng ngành, thị trường chung hoặc so sánh với lịch sử của chính cổ phiếu đó. Từ đó, họ có thể hình dung được giá một cổ phiếu đang "rẻ" so với các doanh nghiệp chung ngành, thị trường hay với chính lịch sử giao dịch của chúng.

Trở lại ví dụ cổ phiếu A kể trên, chỉ số P/E hiện tại đạt hơn 11,1 lần. Trong lịch sử giao dịch của cổ phiếu này, P/E trung bình trong 5 năm qua đạt khoảng 16 lần. Như vậy khi so sánh, nhà đầu tư có thể thấy cổ phiếu A đang rẻ hơn 30,6% so với vùng giá thường thấy của nó.

Vậy có nên mua cổ phiếu "rẻ" không? Tỷ lệ P/B hay P/E chỉ là hai trong nhiều thước đo mà các chuyên gia đầu tư sử dụng để xác định cách một công ty giao dịch so với giá trị nội tại của nó. Thực tiễn mua cổ phiếu "giá rẻ" so với giá trị cơ bản của chúng được gọi là đầu tư giá trị - chiến lược cốt lõi của những nhân vật nổi tiếng trên thị trường như nhà kinh tế Benjamin Graham hay tỷ phú Warren Buffett.

Nếu một công ty có khả năng thúc đẩy thu nhập ngày càng tăng trong dài hạn, các nhà đầu tư cuối cùng sẽ nhận ra tiềm năng của họ, từ đó giá cổ phiếu cũng tăng lên. Đây là quan điểm của Warren Buffett trong thư gửi cổ đông năm 1987. Nếu một cổ phiếu đang giao dịch rẻ vì các nhà đầu tư khác không nhận ra tiềm năng của nó, thì càng tốt. "Nó có thể cho chúng ta cơ hội mua nhiều thứ tốt hơn với giá hời", tỷ phú đầu tư này nhận định.

Áp dụng khái niệm này rộng hơn, các nhà quan sát thị trường có thể chia các cổ phiếu trong một chỉ số, chẳng hạn như VN-Index, thành các cổ phiếu có giá cao, tăng trưởng nhanh (còn gọi là cổ phiếu tăng trưởng) và cổ phiếu giá trị, tức có giá rẻ hơn.

Theo CNBC, cổ phiếu tăng trưởng là lựa chọn phổ biến trong thời gian gần đây của các nhà đầu tư tại Mỹ. Trong thập kỷ qua, cổ phiếu tăng trưởng trong S&P 500 đã ghi nhận lợi nhuận hàng năm hơn 15%, so với lợi nhuận 12% của cổ phiếu giá trị. Tuy nhiên, trong lịch sử, khi các nhà đầu tư cùng nhau đổ tiền vào một nhóm cổ phiếu nhất định, giá của chúng sẽ giảm đi và những mã khác đang bị định giá thấp trở lại hút dòng tiền. Do đó, hai phong cách đầu tư tăng trưởng hay giá trị sẽ thay phiên nhau dẫn dắt thị trường.

Tiểu Gu

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn