‘Nâng đời’ cao tốc 2 làn, ngăn tai nạn thảm khốc

Để ngăn những vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc 2 làn xe, ngoài việc bổ sung dải phân cách cứng, làn dừng khẩn cấp, trạm dừng nghỉ và hệ thống chiếu sáng để đảm bảo an toàn thì cũng cần đẩy nhanh tiến độ mở rộng lên quy mô hoàn chỉnh.
Liên quan đến việc khắc phục các điểm bất hợp lý gây mất an toàn giao thông trên cao tốc hai làn xảy ra thời gian qua, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết đơn vị đang phối hợp cùng Cục Đường bộ Việt Nam tổng rà soát hạ tầng và tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc.
Với các tuyến không có làn dừng khẩn cấp hoặc làn xe chạy hẹp, lực lượng CSGT đề xuất hạ tốc độ nhằm đảm bảo an toàn.
Trước mắt, Cục CSGT đã chỉ đạo các Đội CSGT đường bộ cao tốc thuộc Cục tăng cường tổ chức tuần tra thường trực 24/24, luân phiên đổi ca sau mỗi 8 tiếng để giám sát, xử lý vi phạm, đảm bảo an toàn. Ngoài ra, lực lượng này cũng phối hợp với các đơn vị khác để xử lý các tài xế cố tình "chạy ẩu", lấn làn, sử dụng điện thoại…
Ở góc nhìn khác, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, cho rằng để ngăn ngừa tình trạng mất an toàn trên các tuyến cao tốc hai làn xe, bên cạnh việc mở rộng tuyến, giải pháp trước mắt có thể triển khai ngay là phân làn tốc độ hợp lý hơn.
“Ví dụ, trên cao tốc hai làn không có làn khẩn cấp, làn bên trái có thể giữ tốc độ tối đa cho phép, nhưng làn bên phải nên giảm tốc độ để tạo độ chênh an toàn, giúp các phương tiện có thời gian xử lý khi gặp sự cố,” ông Tạo nói.
Ngoài ra, cần nâng cao kỹ năng lái xe cho tài xế. Theo ông Tạo, hiện trong chương trình đào tạo sát hạch lái xe, Bộ GTVT (trước đây), nay là Bộ Xây dựng đã yêu cầu các cơ sở đào tạo tăng cường giảng dạy kỹ năng lái xe trên cao tốc, bao gồm xử lý tình huống trên các tuyến cao tốc đầu tư phân kỳ.
Tuy nhiên, việc đào tạo hiện nay vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu thực tiễn; nhiều tài xế (đặc biệt là lái xe khách, xe tải trọng lớn) vẫn chưa thực sự tập trung khi làm việc, làm gia tăng nguy cơ tai nạn.
“Nâng cao ý thức người tham gia giao thông là việc làm tiên quyết nhằm đảm bảo ATGT trên cao tốc. Theo đó, việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc như giữ khoảng cách an toàn, không chạy quá tốc độ, thắt dây an toàn là vô cùng quan trọng để giảm thiểu tai nạn,” ông Tạo nhấn mạnh.
Đại diện Cục CSGT cũng khuyến cáo tài xế và chủ phương tiện cần trang bị thêm phương tiện bảo hộ như áo phản quang, chóp nón báo hiệu... để sử dụng khi xe gặp sự cố.
Ông Tạo cũng kiến nghị các cơ quan chức năng sớm bổ sung các hạng mục như dải phân cách cứng, làn dừng khẩn cấp, trạm dừng nghỉ và hệ thống chiếu sáng để đảm bảo an toàn. Song song đó, cần đẩy nhanh tiến độ mở rộng các tuyến cao tốc hai làn.
Mở rộng 15 đoạn tuyến cao tốc
Nhận thấy những bất cập của cao tốc hai làn xe, cuối tháng 3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc và báo cáo kết quả nghiên cứu phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến hai làn lên quy mô hoàn chỉnh, trong đó tính đến phương thức đối tác công tư (PPP).
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có báo cáo đề xuất Chính phủ cho phép mở rộng 15 đoạn cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đầu tư công, thuộc hai giai đoạn. 15 đoạn này không bao gồm hai tuyến Cao Bồ – Mai Sơn và Cam Lộ – La Sơn đang được nâng cấp.
Trong đó, Bộ đưa ra hai phương án:
Phương án 1: Gộp 15 đoạn thành một dự án với tổng chiều dài 966 km, tổng mức đầu tư khoảng 128.292 tỷ đồng (chưa tính lãi vay xây dựng).
Phương án 2: Tách thành hai dự án theo khu vực: Dự án 1 gồm 8 đoạn từ Mai Sơn đến Cam Lộ, dài 415 km, tổng mức đầu tư khoảng 54.182 tỷ đồng; Dự án 2 gồm 7 đoạn từ Quảng Ngãi đến Dầu Giây, dài 551 km, tổng mức đầu tư khoảng 74.110 tỷ đồng.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng và đề xuất của Bộ Xây dựng, nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực xây dựng như Xuân Trường, Đèo Cả, Sơn Hải, Phương Thành, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi)... đã bày tỏ mong muốn được tham gia mở rộng các tuyến cao tốc này.
Là “cánh chim đầu đàn” trong đầu tư, quản lý và vận hành cao tốc, lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) ủng hộ phương án 2 do Bộ Xây dựng đề xuất.
Theo VEC, phương án này có tổng mức đầu tư nhỏ hơn, thuận lợi trong lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, cũng tồn tại một số hạn chế như thi công không đồng bộ trên toàn tuyến và tăng chi phí quản lý do mặt bằng rải rác. Trên cơ sở đó, VEC đề xuất triển khai mở rộng các đoạn tuyến theo phương án 2 và phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn.