Nạn bạo hành 'blouse trắng'

Phòng cấp cứu lúc đó đông nghịt, tiếng máy thở, tiếng gọi nhau gấp gáp vang vọng khắp nơi. Ngoài những bệnh nhân nằm mê man, nhiều trường hợp đột quỵ, chấn thương khác liên tục đổ dồn về. Điều dưỡng Hoa vừa hoàn tất hồi sức cho một bệnh nhân thì nghe tiếng la hét: "Mấy người làm ăn kiểu gì vậy? Tại sao không cho tôi vào phòng cấp cứu với mẹ?".
Trước hàng chục cặp mắt, một nữ đồng nghiệp của Hoa bị đánh thẳng vào đầu, còn bản thân Hoa cùng cả ekip trực thì sững người, áo đẫm mồ hôi, tim đập dồn dập. Chỉ vài phút sau, như đã tập quen với cảm giác nghèn nghẹn này, tất cả lại tiếp tục guồng quay công việc.
Đó không phải là ký ức hiếm hoi với Hoa – một điều dưỡng nhiều năm kinh nghiệm. Cô thường xuyên phải đối diện với cơn giận dữ, mắng chửi, áp lực vô hình từ thân nhân bệnh nhân: "Chúng mày làm ăn kiểu gì?", "Chữa trị kiểu này là chết người ta", hay thậm chí những người say rượu, mất kiểm soát cần công an can thiệp mới yên chuyện.
"Mỗi lần như thế, mọi cố gắng dường như bị phủ nhận, nhưng chúng tôi lại phải gạt sang một bên để cứu lấy sinh mạng trước mắt", Hoa chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Duy Toản, Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đức Giang, từng gặp một nhóm bệnh nhân ngộ độc rượu đi cùng nhau. Từ lúc đến cổng khoa cấp cứu, người nhà đã lớn tiếng đe dọa: "Người nhà tôi mà xảy ra chuyện thì anh liệu hồn". Một lần khác, một bệnh nhân say rượu đánh nhau nhập viện. Người nhà liên tục gây áp lực, dọa đuổi việc nếu không được chữa trị ngay. "Lúc đó, mọi người trong khoa không dám ra khỏi cửa viện cả ngày", anh kể. Nhiều bệnh nhân say rượu thái độ hung hăng, mắng chửi và đập phá đồ đạc, làm khó các bác sĩ trong quá trình chẩn đoán và khai thác thông tin.
"Bạo hành nhân viên y tế không chỉ để lại thương tích trên cơ thể mà còn gây tổn hại đến tinh thần y bác sĩ", anh nói.
Tình trạng bạo hành nhân viên y tế xảy ra ở nhiều bệnh viện trên cả nước. Tháng 4/2018, một bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) bị người nhà bệnh nhân hành hung ngay tại phòng cấp cứu, chỉ dừng lại khi có bảo vệ và công an đến can thiệp. Tháng 7/2022, tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), một bác sĩ bị người nhà bóp cổ, tháng sau tiếp tục có bác sĩ bị tấn công bằng vật sắc nhọn. Tháng 3/2025, bác sĩ khoa cấp cứu Trung tâm Y tế Chư Sê (Gia Lai) bị người nhà đánh choáng váng, hoảng loạn tâm lý. Ngày 25/4 vừa qua, các bác sĩ Trung tâm Y tế Thanh Ba (Phú Thọ) bị xô đẩy, tấn công trong lúc cấp cứu nhưng vẫn nỗ lực làm việc, không rời vị trí để cứu bệnh nhi.
Khảo sát Bộ Y tế cho thấy, phần lớn các vụ bạo lực nhắm vào nhân viên y tế diễn ra ở bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, 70% nạn nhân là bác sĩ, 15% là điều dưỡng. Từ 2010 đến 2017, cả nước ghi nhận 26 vụ phá rối nghiêm trọng trong bệnh viện, nhiều trường hợp bác sĩ bị thương tật suốt đời, thậm chí tử vong.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đa số bạo hành với y bác sĩ do bệnh nhân và người nhà gây ra, khoảng 8-38% nhân viên y tế từng bị hành hung. Tại Trung Quốc, tình trạng này nghiêm trọng, năm 2010 có 17.000 vụ tấn công nhân viên y tế, 60% bác sĩ từng bị bạo hành tinh thần, 13% bị bạo hành thể xác. Ở Ấn Độ, bác sĩ thường xuyên đối mặt với nguy cơ tương tự, nhiều trường hợp bị đánh trọng thương hoặc sát hại khi điều trị. Tại Mỹ, Australia, dù có hệ thống y tế phát triển, tình trạng bác sĩ bị tấn công vẫn phổ biến, như ở Mỹ năm 2014, 80% điều dưỡng từng bị bạo hành thể chất hoặc tinh thần.
Ông Phạm Văn Học, Chủ tịch HĐTV – Tổng Giám đốc Hệ thống Y tế Hùng Vương, lý giải môi trường bệnh viện vốn không thể kiểm soát hoàn toàn số lượng, danh tính người ra vào. Cấp cứu thường tính bằng giây, đa phần thân nhân nôn nóng, lo lắng nên khó giữ bình tĩnh, trong khi nhân viên y tế phải ưu tiên cứu người. Nhiều người thiếu hiểu biết về quy trình chuyên môn, cộng với áp lực cảm xúc, đôi khi bị kích động bởi rượu bia, dễ dẫn đến va chạm.
Tiến sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết mỗi năm có khoảng 200 triệu lượt khám chữa bệnh, tức mỗi ngày y tế nước ta tiếp nhận hàng triệu bệnh nhân, trong khi nhân lực thiếu, hạ tầng chưa đáp ứng nổi nhu cầu. Người bệnh muốn được khám nhanh, kỹ càng, song thực tế không phải lúc nào cũng đảm bảo được. Những căng thẳng cộng dồn từ phía người nhà, cán bộ y tế quá tải, hành vi bạo lực vì thế dễ bùng nổ.
Chưa hết, nhiều bất cập trong quy định pháp luật khiến việc bảo vệ nhân viên y tế còn lỏng lẻo. Luật pháp hiện hành chưa đủ mạnh để răn đe, những đối tượng tấn công bác sĩ, điều dưỡng hiếm khi bị xử lý thích đáng. Một hệ thống camera, đội bảo vệ chuyên nghiệp hay quy định cụ thể về hành vi xâm phạm sức khỏe, danh dự của y bác sĩ vẫn còn thiếu vắng tại nhiều bệnh viện, tạo kẽ hở cho bạo lực tiếp diễn.
Không phải tất cả căng thẳng đều bắt nguồn từ phía thân nhân. Đôi khi, cách ứng xử, giao tiếp chưa khéo léo của nhân viên y tế cũng vô tình làm gia tăng hiểu lầm. Quy trình tiếp nhận và điều trị bệnh nhân cấp cứu được phân theo mức độ nặng nhẹ, không phải thời gian chờ, song nhiều người nhà vẫn cho rằng người thân mình bị bỏ rơi, lơ là.
Ở khía cạnh giải pháp, nhiều bệnh viện lớn đã chủ động triển khai các phương án phòng chống bạo lực. Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, phương án Code Grey – quy trình phản ứng khẩn cấp khi xảy ra sự cố an ninh – được kích hoạt kịp thời để bảo toàn tính mạng và tinh thần cho đội ngũ y tế. Bệnh viện Lê Văn Thịnh áp dụng hệ thống vòng đeo tay màu sắc cho bệnh nhân, minh bạch ưu tiên trong cấp cứu, giúp người nhà nhìn vào đó cũng hiểu mức nguy kịch, giảm mâu thuẫn. Nhiều nơi đầu tư thiết bị giám sát, tổ chức tập huấn kỹ năng giao tiếp, thậm chí dạy võ cho nhân viên y tế để tự vệ...
TS Đức đề xuất các giám đốc bệnh viện cần tăng cường hành lang bảo vệ tại khu vực cấp cứu, hồi sức tích cực khi nơi thường xuyên xảy ra tình huống căng thẳng. Bộ Y tế đã ban hành quy chế về đạo đức, ứng xử trong ngành y, với quan điểm "lấy người bệnh làm trung tâm". Tuy nhiên, để đảm bảo môi trường an toàn cho cán bộ y tế hành nghề, người dân cũng cần chia sẻ và tôn trọng quy trình chuyên môn. "Cán bộ y tế nào cũng vậy, đã bước chân vào nghề y thì ai cũng có tâm nguyện là cứu người", ông Đức nói.
Tuy nhiên, những giải pháp kỹ thuật chỉ là phần nổi của tảng băng. Gốc rễ vấn đề nằm ở hành lang pháp lý. Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y, nhấn mạnh năng lực bảo vệ y bác sĩ vẫn chưa đáp ứng thực tiễn. Luật khám chữa bệnh sửa đổi đã có các điều khoản răn đe, song vẫn cần luật riêng về chống bạo hành y tế, quy định rõ quyền hạn, chế tài xử lý, cũng như bảo vệ danh dự, hình ảnh nhân viên trước dư luận và mạng xã hội.
Ở nơi giành giật sự sống trong từng nhịp thở, nhân viên y tế không chỉ chiến đấu với bệnh tật mà còn phải học cách chịu đựng sự hiểu lầm và phán xét, để mỗi ngày lại tiếp tục viết tiếp câu chuyện làm nghề. Như lời điều dưỡng Hoa: "Nghề y vốn chẳng hào nhoáng, chúng tôi lấy sự bình phục của người bệnh làm điểm tựa để tiếp tục gắn bó".
Thùy An
*Tên nhân vật được thay đổi