Nam sinh nghiện game đạt điểm đại học gần tuyệt đối vẫn bị giáo viên 'phê bình'

TRUNG QUỐC - Câu chuyện tưởng chừng nghịch lý này không chỉ gây sốt mạng xã hội quốc gia tỷ dân mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ: Một học sinh từng mê game, tự nhận thức được và vượt lên chính mình để trở thành thủ khoa.
Cuối tháng 6 vừa qua, cái tên Chu Thế Khang bất ngờ leo top tìm kiếm tại Trung Quốc khi nam sinh xuất sắc đạt 700 điểm (trên tổng 750) trong kỳ thi Cao khảo (đại học), đồng hạng nhất toàn tỉnh. Trong lúc bạn bè và người thân còn đang vỡ òa trong niềm vui thì cậu bất ngờ nhận được lời nhắn từ giáo viên chủ nhiệm: Tới văn phòng để nghe “phê bình”!
Lý do là dù đạt tổng điểm 700 nhưng Chu Thế Khang chỉ đạt 82/100 điểm môn Vật lý, thấp hơn nhiều so với mặt bằng điểm số các môn khác: Toán 149/150, Ngữ văn 146/150, Tiếng Anh 148/150. Cô giáo chủ nhiệm không thể “làm ngơ” trước điều đó và đã “phê bình nghiêm khắc” cậu học trò.
Câu chuyện tưởng chừng “ngược đời” này lại đang truyền cảm hứng mạnh mẽ trên mạng xã hội Trung Quốc: Từ một học sinh từng nghiện game, Chu Thế Khang đã lội ngược dòng để trở thành thủ khoa toàn tỉnh Hồ Bắc, với lựa chọn ngành học mang tầm chiến lược: Kỹ thuật vi mạch.
Từ cậu bé nghiện game đến học sinh toàn năng
Ít ai biết rằng trước khi trở thành thủ khoa, Chu Thế Khang từng là học sinh mê game, thành tích học tập bết bát suốt những năm cấp 2. Nhưng vào một ngày nọ, cậu chủ động “cai” game, không phải do cha mẹ ép buộc hay thầy cô răn đe mà xuất phát từ chính nhận thức của bản thân.
Kết quả, Chu trở thành thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh vào cấp 3. Cậu không học tủ, cũng chẳng học vẹt. Với các môn tự nhiên như Toán hay Vật lý, Chu chọn cách tự suy luận lại toàn bộ công thức thay vì học thuộc. Ngoại ngữ được cậu chinh phục bằng cách cày đề, tích lũy vốn từ vựng. Hóa - Sinh được tiếp cận theo hướng tư duy logic. Còn với Ngữ văn, Chu rèn kỹ năng tổng hợp và phân tích để làm bài một cách sâu sắc hơn.
Trong 20 ngày nước rút trước kỳ thi đại học, Chu vẫn duy trì thói quen ra sân bóng rổ mỗi tối để xả stress. “Đừng nói với cô chủ nhiệm nhé!”, cậu từng nửa đùa nửa thật với bạn bè bởi cô giáo luôn nhắc học sinh phải tận dụng từng giây từng phút để ôn tập.
Tuy nhiên, Chu tin rằng sự thư giãn vừa phải mới giúp tinh thần tỉnh táo, học tập hiệu quả và thực tế đã chứng minh điều đó. Cậu giữ vững phong độ trong phòng thi, đạt điểm số gần như tuyệt đối, cùng 2 bạn khác đồng thủ khoa toàn tỉnh.
Điểm số Vật lý 82 khiến cô giáo chủ nhiệm vừa tiếc, vừa thấy “khó chấp nhận” với một học sinh đang ở ngưỡng gần hoàn hảo. Dù vậy, thay vì trách mắng gay gắt, cô gọi Chu vào văn phòng để trao đổi chân thành và tặng cậu một bó hoa hướng dương. “Một lần phê bình, một lần khích lệ”, cô nhắn nhủ.
Chu Thế Khang cho biết, bản thân dự định theo đuổi ngành kỹ thuật điện tử, đặc biệt là lĩnh vực phát triển chip. Nam sinh đang phân vân giữa Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh - hai trường danh giá bậc nhất Trung Quốc và châu Á. “Em đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ cả hai trường”, Chu chia sẻ.
Cả Thanh Hoa và Bắc Đại đều nổi tiếng với truyền thống “săn” nhân tài khắp cả nước ngay sau mỗi kỳ thi Cao khảo, đặc biệt là những thí sinh đạt thành tích thủ khoa toàn tỉnh. Với những học sinh xuất sắc như Chu, các trường đang tung ra mọi “chiêu” để thuyết phục các em theo học tại trường mình.
Theo Baidu, câu chuyện của Chu Thế Khang khiến nhiều cư dân mạng Trung Quốc xúc động bởi nó cho thấy rằng giáo dục không chỉ là điểm số mà là quá trình trưởng thành, từ việc vượt qua chính mình đến cách tìm ra phương pháp học hiệu quả và biết cách cân bằng cảm xúc.
Lời “phê bình” của cô giáo không phải là sự trách móc mà là một cách nhắc nhở đầy yêu thương: Ngay cả khi đã chạm đến đỉnh cao, học sinh vẫn luôn được kỳ vọng tiến xa hơn nữa, hoàn thiện hơn nữa cho đến khi đạt 10/10 - một tâm lý phổ biến trong môi trường giáo dục châu Á.