Nam sinh giỏi nhất tỉnh, 3 năm liền đỗ trường Đại học top đầu nhưng đều từ chối nhập học: Lý do khiến ai cũng ngỡ ngàng "quá phi lý"

Bất kỳ học sinh nào tham gia kỳ thi đại học đều mong ước đủ điểm đỗ vào ngôi trường mơ ước. Nhưng nam sinh này dù đủ điểm vào trường đại học top đầu vẫn từ chối nhập học, tiếp tục ôn thi lại. Lý do vì sao?
Trong số hàng trăm trường đại học danh tiếng tại Trung Quốc, Thanh Hoa và Bắc Kinh luôn là đích đến mơ ước của biết bao học sinh. Thế nhưng, chàng trai trẻ Chu Minh Viễn đến từ tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) lại chọn cho mình một con đường hoàn toàn khác biệt: cậu ba lần từ chối Thanh Hoa - Bắc Đại, vì lý do khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Mặc dù liên tục thi đại học được số điểm thi cao, đủ sức đỗ vào bất kỳ trường top đầu nào, Chu Minh Viễn đã quyết định ôn thi lại suốt ba năm, chỉ để theo đuổi một mục tiêu táo bạo: đổi điểm số lấy tiền thưởng. Cuối cùng, bằng nỗ lực lặp đi lặp lại của mình, cậu đã gom đủ tiền để mua một căn hộ cao cấp, viết nên câu chuyện vừa gây kinh ngạc vừa gây tranh cãi khắp cộng đồng mạng Trung Quốc.
Hành trình ba lần thi Đại học
Ngay từ năm đầu tiên thi đại học, Chu Minh Viễn đã đạt số điểm gần như chắc chắn trúng tuyển Thanh Hoa hoặc Bắc Đại. Thế nhưng, khi nhận được giấy báo nhập học, thứ mà biết bao học sinh đều mơ ước được gửi đến, cậu lại xé nát tờ giấy đó ngay trước mặt người thân khiến tất cả mọi người đều sững sờ.
Lý do phía sau hành động tưởng chừng "ngông cuồng" ấy là một toan tính rất thực tế. Tại địa phương nơi cậu sinh sống, nhiều trung tâm luyện thi đưa ra mức thưởng hấp dẫn nhằm thu hút học sinh giỏi ôn thi lại, nhằm nâng cao thành tích để quảng bá tên tuổi của trung tâm. Trong đó, phần thưởng cho học sinh đỗ Thanh Hoa hoặc Bắc Đại lên tới 300.000 tệ (tương đương hơn một tỷ đồng).
Trong mắt nhiều người, ánh hào quang của hai trường danh giá này là điều vô giá, là vinh quang cả đời. Nhưng với Chu Minh Viễn, đó chỉ là một công cụ để thực hiện mục tiêu kinh tế. Cậu dứt khoát từ chối vinh quang trước mắt, chọn con đường ôn thi lại, không vì bằng cấp, mà chỉ vì khoản thưởng 300.000 tệ ấy.
Năm thứ hai, Chu Minh Viễn một lần nữa bước vào kỳ thi tuyển sinh Đại học. Với nền tảng kiến thức vững chắc cùng ý chí học tập kiên cường, cậu tiếp tục đạt thành tích xuất sắc. Kết quả công bố, một tay cậu cầm giấy báo trúng tuyển của Đại học Bắc Kinh, tay kia nhận khoản tiền thưởng 300.000 tệ. Thành công lần này khiến dư luận địa phương không khỏi xôn xao. Tuy nhiên, Chu Minh Viễn vẫn chưa cảm thấy hài lòng. Cậu hiểu rõ bản thân vẫn còn tiềm năng chưa được khai phá, và trước mắt vẫn còn những cơ hội kiếm tiền lớn hơn đang chờ đợi.
Ngay sau đó, Chu Minh Viễn nhanh chóng chuyển sang một trung tâm luyện thi khác và bắt đầu đàm phán trực tiếp với người đứng đầu. Cậu thẳng thắn đưa ra yêu cầu: mỗi tháng trợ cấp sinh hoạt 2.000 tệ (khoảng 7 triệu đồng) là điều kiện tiên quyết, bởi quá trình ôn thi lại vô cùng khắc nghiệt, đòi hỏi phải có đủ điều kiện vật chất để duy trì tinh thần học tập ổn định. Bên cạnh đó, mức thưởng 500.000 tệ (khoảng 1,8 tỷ đồng) nếu đỗ Thanh Hoa hoặc Bắc Đại chính là giới hạn thấp nhất mà cậu chấp nhận, đây là mục tiêu cũng như động lực lớn nhất của cậu.
Trước bảng thành tích rực rỡ cùng năng lực học tập vượt trội của Chu Minh Viễn, chủ trung tâm không chút do dự đã đồng ý với các điều kiện này. Trong mắt ông, Chu Minh Viễn chính là "ngôi sao hy vọng" có thể giúp nhà trường bứt phá tỷ lệ trúng tuyển vào Thanh Hoa – Bắc Đại.
Năm thứ ba, Chu Minh Viễn lại một lần nữa tạo nên kỳ tích. Không chỉ giành được giấy báo trúng tuyển của Đại học Thanh Hoa, cậu còn xuất sắc lọt vào top 10 khối Tự nhiên toàn tỉnh. Thành tích này của cậu khiến cộng đồng mạng không khỏi thán phục, cho rằng quả đúng là "người giỏi có khác" – năm trước đỗ Bắc Đại, năm sau vào Thanh Hoa, không chỉ tận dụng ưu đãi của một trường mà còn khai thác triệt để chính sách thưởng từ nhiều nơi cùng lúc.
Thế nhưng, một lần nữa, cậu lại từ chối nhập học. Vừa tiếp tục trở thành học sinh ôn thi lại để hướng tới mục tiêu mới – khoản thưởng 600.000 tệ (khoảng 2,1 tỷ đồng), cậu vừa tranh thủ thời gian làm gia sư cho các sĩ tử năm cuối để kiếm thêm thu nhập.
Nhờ phương pháp học tập độc đáo và sự am hiểu sâu sắc về kỳ thi đại học, Chu Minh Viễn nhanh chóng nhận được sự đánh giá cao từ học sinh lẫn phụ huynh. Và đúng như dự đoán, phần thưởng lần này tiếp tục nằm gọn trong tay cậu.
Biến tri thức thành của cải – Lựa chọn khác biệt nhưng đầy bản lĩnh
Ba năm tuổi trẻ, trong khi nhiều người cùng trang lứa vẫn còn loay hoay giữa học hành và tương lai mờ mịt, thì Chu Minh Viễn đã sớm dùng trí tuệ và bản lĩnh của mình để gặt hái thành quả đáng nể. Với số tiền thưởng tích lũy được sau ba năm ôn thi, anh đã thanh toán toàn bộ để mua một căn hộ cao cấp, đó là giấc mơ mà nhiều người dù nỗ lực cả chục năm cũng khó mà chạm tới được.
Không quên cội nguồn, Chu Minh Viễn còn quyên góp xây dựng phòng học đa phương tiện cho ngôi trường cũ, như một cách gửi lời tri ân sâu sắc đến nơi đã nuôi dưỡng và chắp cánh cho hành trình đặc biệt của mình.
Câu chuyện của Chu Minh Viễn chẳng khác nào một cuốn tiểu thuyết bước ra ngoài đời thực. Nếu tình tiết này xuất hiện trong một tác phẩm hư cấu, có lẽ tác giả đã bị độc giả chỉ trích dữ dội vì quá phi lý. Thế nhưng, đây lại chính là hành trình có thật của Chu Minh Viễn.
Cậu hiểu rõ rằng, trước khi tốt nghiệp, tri thức hoàn toàn có thể trở thành công cụ để tạo ra của cải. Chu Minh Viễn đã khéo léo vận dụng kiến thức và tận dụng triệt để cơ chế của kỳ thi đại học, biến chúng thành giá trị lớn cho bản thân. Bởi sau khi tốt nghiệp, không ít người sẽ trở thành công cụ tạo ra giá trị cho người khác, chịu sự áp đặt của sếp hay thị trường, và khi đó, tri thức không còn thuộc về riêng mình nữa.
Cách làm của Chu Minh Viễn dù gây nhiều tranh cãi, nhưng cũng khiến người ta phải nể phục vì sự tỉnh táo và bản lĩnh. Dòng chữ đơn giản "ba lần từ chối Thanh Hoa – Bắc Đại" trong hồ sơ cá nhân của anh nay đã trở thành một dấu ấn đặc biệt, khiến các buổi dạy kèm của anh được phụ huynh đặt kín lịch đến tận 10 năm sau.
Chu Minh Viễn đã chọn một con đường khác biệt, và bằng chính cách riêng của mình, anh đã viết nên một truyền kỳ hiếm có trên con đường thi Đại học.
Theo Sohu