Nam NSND vừa qua đời vì ung thư phổi, đồng nghiệp xót xa: "Trời ơi, sao mà nhanh quá!"

"Ai ngờ đến hôm nay tôi nhận được tin báo Thanh Hải qua đời. Trời ơi, sao mà nhanh quá!" – NSND Thanh Điền nói.
Mới đây, NSND Thanh Điền đã xúc động chia sẻ về NSND Thanh Hải vừa qua đời ở tuổi 68 vì ung thư phổi.
Ông nói: "Buồn quá, tiếc quá! Thương cho một tài danh, sao mà sớm vội đi vậy? Mới ngày hôm qua tôi gọi điện hỏi thăm Thanh Hải thì vợ Thanh Hải cầm máy, nói rằng Thanh Hải đã nhập viện.
Tôi hỏi Thanh Hải bị sao thì vợ Thanh Hải bảo bị ung thư phổi. Tôi hơi sợ, hỏi kết quả ra sao. Vợ Thanh Hải bảo rằng chồng cô ấy đang nằm phòng cấp cứu rồi, cô ấy cầm điện thoại của chồng.
Tôi chỉ bảo vợ Thanh Hải rằng tôi hơi lo. Ai ngờ đến hôm nay tôi nhận được tin báo Thanh Hải qua đời. Trời ơi, sao mà nhanh quá!
Tôi quá tiếc vì Thanh Hải là một tài danh. Tôi và Thanh Hải từng hợp tác với nhau rất nhiều vở diễn do tôi đạo diễn, Thanh Kim Huệ sáng tác.
Lần đầu tiên tôi và Thanh Hải hợp tác khi cả hai còn trẻ. Thanh Hải sốt sắng lắm. Tôi nhớ không lầm thì Thanh Hải còn tự sáng tác một bài dân ca cho vở diễn của tôi.
Bẵng đi một thời gian, mỗi người một nơi. Tôi không gặp nhưng vẫn dõi theo và biết Thanh Hải sáng tác rất tài ba, được cả rạp xiếc thành phố mời về sáng tác nhạc.
Thanh Hải cũng từng làm cho nhiều sân khấu, rạp xiếc. Chúng tôi hợp tác ở nhiều kịch bản và được khán giả yêu thích, đặc biệt cách Thanh Hải diễn đạt tâm lý nhân vật qua tiếng đàn của mình.
Tôi và Thanh Hải có nhiều kỷ niệm. Một kỷ niệm đáng nhớ tôi không thể quên là lúc 1 giờ đêm, Thanh Hải gọi cho tôi. Tôi giật mình nhấc máy, hết hồn hỏi "Có gì thế Hải".
Thanh Hải hỏi tôi ngủ chưa, nghe thử khúc nhạc Thanh Hải làm xem được không. Tức là, Thanh Hải rất trân trọng tôi vì tôi là đạo diễn còn Thanh Hải làm âm nhạc cho vở diễn.
Tôi nghe xong chưa trả lời ngay được nhưng Thanh Hải rất sốt sắng, gặng hỏi ngay. Tôi liền đưa ý kiến của mình, muốn nhạc đệm chủ đạo là đàn kìm. Thanh Hải rất cầu thị, nghe góp ý từ tôi và tiếp thu ngay".
NSND Thanh Hải sinh năm 1957 trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ông học đàn năm 6 tuổi, theo thời gian trở thành bậc thầy của nhiều nhạc cụ dân tộc và có đóng góp lớn lao cho âm nhạc của nghệ thuật cải lương.
Khoảng năm 1977, Thanh Hải và NSND Văn Giỏi cải biên bài Vọng Kim lang của nhạc sĩ Hoàng Lê thông qua việc viết thêm và thể hiện dưới hình thức mới, tạo thành cơn "sốt" khắp miền Nam. Ông còn góp phần định hình phong cách âm nhạc cho nhiều vở cải lương nổi tiếng như: Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Người ven đô, Lá sầu riêng, Máu nhuộm sân chùa…