Nam nghệ sĩ sống ở biệt thự ven biển, gia đình toàn người nổi tiếng, U80 vẫn đang “tuổi yêu”

Dù bị ung thư giai đoạn 4 nhưng nam nghệ sĩ này luôn giữ tinh thần lạc quan, hóm hỉnh, yêu đời và nhiệt huyết với nghệ thuật.
Nhà sĩ Trần Tiến sinh năm 1947 là em trai NSND Trần Hiếu, chú ruột diva Trần Thu Hà, một gia tộc với nhiều tên tuổi lẫy lừng của làng nhạc Việt.
Nhạc sĩ Trần Tiến từng làm hậu đài cho Đoàn ca múa Hà Nội và trở thành ca sĩ của đoàn sau 1 năm tự học. Năm 1971-1978, ông học Nhạc viện Hà Nội, tốt nghiệp với tấm bằng đỏ sáng tác giao hưởng. Đến năm 1992, ông mở trường dạy nhạc miễn phí cho trẻ em mồ côi và có hoàn cảnh khó khăn tại TPHCM, duy trì trong 7 năm.
Trong sự nghiệp của mình, ông có nhiều sáng tác nổi tiếng: Giai điệu Tổ quốc, Những đôi mắt mang hình viên đạn, Vết chân tròn trên cát...
Năm 1987, Trần Tiến thành lập ban nhạc rock Đen Trắng và lưu diễn khắp các tỉnh thành. Năm 1990, Trần Tiến cùng các bạn ra mắt nhóm Du ca đồng nội đi hát kiếm tiền xây dựng trường nhạc cho trẻ mồ côi, thiếu may mắn.
Kể từ thập niên 1990, phong cách sáng tác của Trần Tiến có sự thay đổi từ Pop đơn thuần sang phong cách dân gian đương đại và được khán giả đón nhận như: Tùy hứng lý ngựa ô, Ngẫu hứng sông Hồng, Quê nhà...
Năm 2000, Trần Tiến tổ chức liveshow đầu tiên tại Nhà hát Hòa Bình và được Hãng phim Phương Nam sản xuất mang tên Ngẫu hứng Trần Tiến. Ông là người dẫn chuyện kiêm nhạc sĩ và hát xuyên suốt chương trình với các ca sĩ như: Trần Thu Hà, Ngọc Anh 3A, Phương Thanh, Hồng Nhung...
Năm 2005, ca khúc Mưa bay tháp cổ của ông được ca sĩ Tùng Dương thể hiện thành công và giành giải Bài hát của tháng trong chương trình Bài hát Việt.
Năm 2006, những ca khúc như: Bình nguyên xa vắng, Ra ngõ mà yêu, Lữ khách sông Hồng, Mưa bay tháp cổ, Quê nhà... xuất hiện trong album Đối thoại 06 của cháu gái Trần Tiến - ca sĩ Trần Thu Hà.
Năm 2007, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm Bài ca thanh niên ra tiền tuyến (1967), Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp (1968), Giai điệu Tổ quốc (1980), Chiếc vòng cầu hôn (1984), Tùy hứng ngựa ô (1987), Chị tôi (1997).
Ở tuổi U80, Trần Tiến phát hiện mình bị ung thư vòm họng giai đoạn 4. Chia sẻ trong chương trình Cassette hoài niệm trên VTV3, ông tâm sự: "Lúc phát hiện mình bị ung thư giai đoạn 4, tôi tái mặt đi. Có một cậu 40 hay 45 tuổi gì đó luôn xếp hàng trước tôi mỗi khi xạ trị. Đến mũi thứ 14, tôi hỏi cậu đó đâu rồi, bác sĩ bảo "không qua nổi".
Tôi xạ trị đến lần thứ 30. Đó là lần kinh khủng nhất, tôi gục hoàn toàn, không thể dậy được. Giây phút đó, tôi tự nói với mình: "Dậy đi, dậy đi, đừng hèn thế".
Ngay cả trong giai đoạn đối mặt với tử thần, giành giật sự sống đến khi đi qua cơn bạo bệnh, Trần Tiến vẫn miệt mài sáng tác. Ông không ngại học hỏi các phần mềm để phục vụ cho việc viết nhạc của mình. “Học ở tuổi này khó lắm vì quên quên nhớ nhớ mà”, ông tâm sự trong chương trình Cuộc hẹn cuối tuần.
Nam nhạc sĩ nói biến cố ung thư giúp ông có nhiều chiêm nghiệm về cuộc sống. “Đứng trước cái chết, mình phải chiến đấu, phải làm việc vì chỉ có làm việc mới hạnh phúc. Mỗi ngày mình phải biết cái mới, đừng để chúng ta thành cổ thụ giữa thế giới đương đại” - (nguồn: Cuộc hẹn cuối tuần).
Có thể thấy, trong hoàn cảnh nào, nam nghệ sĩ sinh năm 1947 vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, hài hước, hóm hỉnh. Khi được tổ chức sinh nhật lần thứ 78, nhạc sĩ Trần Tiến cười lớn và nói rằng: "Tôi còn trẻ mà! Đang tuổi ăn, tuổi ngủ, tuổi yêu".
Trong tất cả những thăng trầm của Trần Tiến đều có sự đồng hành của vợ ông – bà Bích Ngà. Ông bà gặp nhau năm 1971. Hơn 50 năm vợ chồng, bà luôn ở bên chồng, đồng hành cùng chồng trong mọi thăng trầm của đời sống, để ông toàn tâm toàn ý cho âm nhạc.
Hơn chục năm qua, vợ chồng ông chuyển từ TPHCM về Vũng Tàu sinh sống, trong một căn biệt thự màu trắng view biển. Ông tâm sự trên tờ Dân Trí: "Tôi đang sống một cuộc sống bình yên, sáng dậy sớm chạy thể dục, ngắm biển, ăn sáng và sáng tác nhạc.
Dù là trai Hà Nội nhưng tôi thích biển lắm. Ngày nhỏ, tôi luôn mơ mình sống ở một căn nhà nhỏ bên bãi biển, và giờ tôi được ở sát biển. Ở đây tôi vẫn làm việc, có điều vừa làm vừa nghỉ ngơi".
(tổng hợp)