Nhảy đến nội dung

Năm nay những cơn mưa 'cực đoan' sẽ phổ biến

Các trận mưa 100mm trong vòng một giờ đồng hồ (còn gọi là mưa 'cực đoan') sẽ diễn ra khá phổ biến trong năm 2025.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh như vậy khi trả lời Tuổi Trẻ Online về diễn biến mùa mưa bão năm nay và những giải pháp, kinh nghiệm trong công tác ứng phó.

Ông Hiệp cho biết theo dự báo của cơ quan khí tượng nước ta, thiên tai năm nay không đến mức quá khốc liệt, nhưng diễn biến thời tiết bất thường rất dễ xảy ra.

Về mưa, tổng thể mưa năm nay không ở mức quá cao nhưng sẽ có nhiều trận mưa ở mức bất thường. Ngay đầu mùa mưa chúng ta chứng kiến trận mưa 200mm trong vòng gần 3 giờ đồng hồ ở TP.HCM và mới nhất là ở Tuyên Quang, Bắc Kạn.

Các trận mưa 100mm trong vòng một giờ sẽ diễn ra khá phổ biến. Đây là vấn đề rất quan ngại của hình thái thời tiết năm nay.

Đối với bão, dự báo số cơn bão, áp thấp nhiệt đới năm nay ở mức trung bình nhiều năm, trên Biển Đông có khoảng 12-13 cơn và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khoảng 5-6 cơn.

Những cơn bão mạnh như Yagi khả năng năm nay sẽ không xuất hiện, nhưng không loại trừ những cơn bão có cường độ mạnh tiệm cận như Yagi đổ bộ vào nước ta.

Các đô thị triển khai ngay giải pháp chống ngập lụt

* Với dự báo năm nay xuất hiện nhiều những cơn mưa lớn bất thường, vậy các địa phương cần lưu ý gì, thưa ông?

- Với những cơn mưa bất thường mà lượng mưa trong một giờ đồng hồ lên tới 100mm thì cơ bản các đô thị Việt Nam sẽ ngập lụt vì trong thiết kế nói chung, các đô thị của chúng ta chưa tính toán đến việc thoát nước cho những trận mưa cực đoan như vậy.

Do đó các đô thị phải tính toán, triển khai ngay các giải pháp tiêu thoát nước ở các điểm ngập cục bộ, nhất là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Như Đà Nẵng, sau ba năm liên tiếp ngập lụt đã có một loạt giải pháp thì cần triển khai nhanh để giảm thiểu ngập lụt.

Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân ở các đô thị, nhất là vùng trũng, thấp thường xuyên xảy ra ngập lụt nên có các phương án kê cao tài sản để giảm thiểu thiệt hại.

Đối với khu vực miền núi, chúng tôi quan ngại hơn vì nếu mưa lớn như vậy thì rất dễ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

Khi có dự báo, cảnh báo có mưa lớn, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét thì chính quyền địa phương, người dân phải chủ động sơ tán ngay tới nơi an toàn để đảm bảo an toàn tính mạng đầu tiên.

Cùng với đó, trong quy hoạch xây dựng mới ở các tỉnh miền núi, các địa phương dứt khoát không cho người dân xây dựng ở khu vực có nguy cơ sạt lở.

Vừa rồi chúng tôi đi một tỉnh miền núi thì vẫn thấy có trường hợp bà con xẻ đồi, xẻ núi để xây nhà, nếu để làm như vậy thì rất nguy hiểm.

Chú trọng vào dự báo, cảnh báo để chủ động ứng phó

* Năm 2024, chúng ta hứng chịu thiên tai lịch sử, đặc biệt là cơn bão Yagi, vậy những bài học kinh nghiệm cần rút ra cho mùa mưa bão năm nay là gì?

- Bài học kinh nghiệm đầu tiên và lớn nhất là công tác dự báo và cảnh báo. Có thể nói công tác dự báo, cảnh báo ngày càng tốt và chính xác hơn.

Cơn bão Yagi nếu chúng ta dự báo không tốt thì chắc chắn thiệt hại không dừng lại như vậy. Trước 48 giờ đã dự báo gần như chính xác đường đi, lượng mưa và thời gian này đủ để chúng ta chuẩn bị ứng phó nhưng có điều là bão quá mạnh, nằm ngoài khả năng.

Do đó công tác dự báo, cảnh báo mưa bão năm nay cần tiếp tục chú trọng hơn, phải đảm bảo kịp thời, chính xác, từ sớm từ xa.

Thứ hai là bản lĩnh, sự chủ động, dám quyết, dám làm, dám chịu của người đứng đầu. Ví dụ trong bão Yagi, một ông trưởng bản ở Lào Cai khi thấy bản có nguy cơ bị sạt lở đã sơ tán bà con đến nơi an toàn cho thấy trách nhiệm và bản lĩnh của ông trưởng bản.

Hay như câu chuyện hồ thủy điện Thác Bà, chiếu theo luật thì chúng ta phải phá đập phụ rồi nhưng khi đó Thủ tướng quyết không phá, lúc đó phải rất bản lĩnh vì nếu phá thì thiệt hại sẽ rất lớn.

Thứ ba, sự chủ động của cấp chính quyền và người dân, đặc biệt là phương châm "4 tại chỗ". Đối với những vùng hay bị chia cắt, có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét thì chính quyền địa phương cần lưu ý tìm một chỗ tránh trú an toàn tại chỗ.

Câu chuyện trưởng bản ở Lào Cai đưa dân bản lên đỉnh đồi để tránh sạt lở chắc chắn đã được ngắm trước, chứ không phải lúc đó mới nghĩ ra.

Do đó các địa phương cố gắng xây dựng một điểm tránh trú an toàn cho mỗi tụ điểm dân cư, nếu có dự trữ lương thực, thực phẩm thì càng tốt, nếu triển khai được như vậy thì thiệt hại chắc chắn sẽ giảm đi nhiều.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn