Nam bộ ngóng mưa lớn giải nhiệt

Nắng nóng gay gắt vẫn xuất hiện ở TP.HCM nói riêng và Nam bộ nói chung khiến người dân mong ngóng một trận mưa lớn. Đặc biệt, trong bầu không khí ngột ngạt vì thỉnh thoảng trời sầm sập như sắp có mưa thì ao ước một cơn mưa "vàng" giải nhiệt lại càng lớn hơn.
Đã vào mùa mưa, nắng nóng vẫn gay gắt
Hôm qua 9.5, TP.HCM và Nam bộ nói chung nắng nóng gay gắt. Cuối giờ chiều, trời thỉnh thoảng sầm xuống, cảm giác như sắp có cơn giông tới. Đây cũng là tình trạng ở nhiều ngày trước đó. Thực tế, những ngày đầu tháng 5, mây đen xuất hiện nhiều hơn tại TP.HCM và các tỉnh, thành Nam bộ, nhưng mưa vẫn chủ yếu rải rác vài nơi với lượng không đáng kể, khiến không khí càng thêm ngột ngạt, oi bức.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tại Nam bộ có nắng nóng với với nhiệt độ cao nhất ngày 8.5 phổ biến 35 - 36 độ C, có nơi trên 36 độ như Phước Long (Bình Phước) 36,3 độ, TP.Tây Ninh (Tây Ninh) 36,5 độ… Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 52 - 57%.
Chị Ngô Thị Hiền (ngụ Q.4, TP.HCM) chia sẻ: Vào những ngày cuối tháng 4, chị thấy dự báo thời tiết cho biết trong tháng 5 sẽ bước vào mùa mưa, mưa nhiều và nhiệt độ giảm nên chờ đón thời tiết sẽ mát mẻ hơn. Tuy nhiên, từ đầu tháng đến nay, dù thấy mây đen xuất hiện nhưng mưa rất ít hoặc không đáng kể. Còn ban ngày, đặc biệt là buổi trưa, trời vẫn nắng rất gay gắt không kém những tháng trước. "Tôi thấy nhiều nơi xuất hiện mưa, thậm chí ngập đường, còn khu vực trung tâm thành phố vẫn rất ít. Ngược lại, nắng nóng vẫn gay gắt và oi bức rất khó chịu. Phải có một trận mưa đủ lớn thì mới đánh tan bầu không khí ngột ngạt này được", chị Hiền chia sẻ.
Chị Lý Ngọc Thảo (ngụ Q.11) cũng chờ đợi mưa từ cuối tháng 4 khi nghe dự báo thời tiết năm nay mùa mưa đến sớm. Nhưng thực tế 10 ngày qua chỉ có 1 - 2 trận mưa rào, còn lại trời vẫn nắng nóng gay gắt. "Mọi người hy vọng một trận mưa thật lớn để giải nhiệt mùa nắng nhưng chờ mãi không thấy", chị Thảo nói.
Tâm trạng mong mưa của người dân TP.HCM và Nam bộ là có thể hiểu được. Bởi riêng ở TP.HCM, tại trạm Tân Sơn Nhất vào ngày 7.5, nhiệt độ cao nhất là 37 độ C. Tại đô thị lớn nhất cả nước này, nhiệt độ cảm nhận thực tế thường cao hơn từ 2 - 4 độ C so với nhiệt độ khí tượng, khiến cơ thể mệt mỏi, khó chịu, nhất là những người hay phải làm việc ngoài trời.
Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ và Tây nguyên), cho biết: Trong những ngày đầu tháng 5, mức nhiệt độ cao nhất ghi nhận vào ngày 7.5, sau đó giảm dần vì trời nhiều mây, mưa cũng xuất hiện ở một số quận huyện. Nhiều người có cảm giác nắng nóng khá mạnh vì thời tiết giai đoạn đầu mùa mưa khu vực Nam bộ vẫn chi phối chủ yếu ở trên tầng cao là áp cao tây Thái Bình Dương lấn tây, bao trùm khu vực. Đây là trường phân kỳ làm hạn chế quá trình bốc hơi nước, do đó ban ngày ít mây, trời nắng. Thời kỳ đầu tháng 5, thường gió tây nam hình thành ở tầng thấp, gió đẩy hơi ẩm từ biển vào, khi không khí vẫn liên tục bị đốt nóng bởi bức xạ mặt trời, trong không khí có độ ẩm khá cao, tạo cảm giác oi bức. Bên cạnh đó, trong nội thành còn cộng hưởng hơi nóng từ mặt đường, các tòa nhà, công trình xây dựng, hơi nóng từ các phương tiện giao thông trong điều kiện gió nhẹ hoặc lặng gió, độ ẩm cao, nhiệt độ không khí cao..., sự cộng hưởng của các yếu tố trên tạo cảm giác oi bức.
Khi nào có "mưa vàng"?
Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, giải thích: Từ cuối tháng 4 đầu tháng 5, gió tây nam đã xuất hiện nhưng mới ở tầng thấp, yếu và chưa ổn định nên mưa còn rải rác. Hiện tại, không khí lạnh ở phía bắc tiếp tục di chuyển xuống phía nam, đợt không khí lạnh cuối mùa này làm cho đới gió đông hoạt động mạnh trở lại, còn gió tây nam bị suy yếu. Do vậy, Nam bộ tiếp tục mưa giông rải rác trong những ngày tới. Cũng giai đoạn này, mặt trời chuyển động gần vuông góc với đường xích đạo nên cường độ bức xạ cao hơn các mùa khác trong năm, tạo ra cảm giác nắng gay gắt hơn. Bên cạnh đó, trong giai đoạn chuyển mùa và đầu mùa mưa, lượng mưa còn khá ít, sau những trận mưa, nước bốc hơi và tỏa thêm nhiệt vào không khí càng làm cho cảm giác oi bức khó chịu hơn.
"Kiểu thời tiết này là bình thường trong giai đoạn chuyển từ mùa khô sang mùa mưa và thậm chí là đầu mùa mưa. Sau giai đoạn này, mưa xuất hiện nhiều và thường xuyên hơn, trời sẽ dịu mát trở lại. Khả năng là mùa mưa năm nay xuất hiện vào thời điểm tương đương với trung bình nhiều năm", bà Lan cho biết.
Th.S Lan nói thêm, đợt không khí lạnh cuối mùa nêu trên có cường độ không quá mạnh và cũng chỉ kéo dài một vài ngày tới, khoảng ngày 10.5 ảnh hưởng tới một số nơi ở đông Bắc bộ. Sau khi đợt không khí lạnh này suy yếu, ngoài khơi phía đông của Philippines xuất hiện một cơn bão, tuy không đi vào Biển Đông nhưng sẽ tạo điều kiện để các nhiễu động trên Biển Đông hoạt động mạnh lên và có tác dụng hút gió tây nam, làm cho gió này phát triển mạnh, đều từ cả tầng thấp đến tầng cao. Như vậy, khoảng giữa tháng 5, khi gió tây nam hoạt động ổn định theo mùa thì Nam bộ và TP.HCM sẽ có mưa nhiều hơn, trên diện rộng giúp hạ nhiệt nắng nóng hiện tại.
"Vào giai đoạn này, do sự thay đổi thời tiết liên tục và chênh lệch nhiệt lớn nên rất dễ xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như: giông, sét, lốc, mưa đá…, người dân cần chú ý phòng tránh thiệt hại về người và tài sản", chuyên gia Lê Thị Xuân Lan khuyến cáo.
Theo ông Lê Đình Quyết, diễn biến mưa năm nay khá tương đồng với trung bình nhiều năm. Hiện tại, một số nơi ở khu vực nam sông Hậu và Đông Nam bộ bắt đầu mùa mưa. Tuy nhiên, năm nay ở các tỉnh thành mưa diễn ra không đồng loạt, phân bố không đồng đều. Thậm chí cùng trong tỉnh nhưng có nơi đã bắt đầu mùa mưa từ ngày 17 - 18.4 nhưng những địa phương khác đến nay chưa bước vào mùa mưa, tại TP.HCM cũng vậy. Nhìn chung mưa chưa đều, chưa phổ biến. Từ ngày 10 - 14.5, mưa gia tăng về diện và lượng, có mưa rào và giông nhiều nơi, có nơi mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to. Khi đó, không khí sẽ bớt oi bức hơn.