Mỹ vẫn để ngỏ khả năng đạt thỏa thuận thuế quan với Nhật Bản

Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên khởi động đàm phán thương mại với Mỹ, song đến nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào và nhiều lần bị ông Trump phàn nàn là "cứng rắn".
![]() |
Sau cuộc đàm phán, Mỹ và Nhật Bản vẫn chưa chốt được mức thuế quan. Ảnh: Reuters. |
Ngày 18/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent viết trên mạng xã hội X rằng một thỏa thuận thương mại có lợi cho cả hai bên "vẫn nằm trong khả năng", đồng thời nhấn mạnh "một thỏa thuận tốt quan trọng hơn một thỏa thuận vội vàng". Ông cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục các cuộc đàm phán chính thức trong thời gian tới.
Trong tuần này, ông Bessent đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba và Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Ryosei Akazawa, người đang dẫn đầu đoàn đàm phán phía Nhật. Sau cuộc gặp, ông Ishiba cho biết đã đề nghị Mỹ đàm phán "một cách chủ động" với ông Akazawa.
Phía Nhật cũng xác nhận hai bên thống nhất duy trì đối thoại "mang tính xây dựng". Bộ trưởng Bessent rời văn phòng Thủ tướng mà không phát biểu trước truyền thông.
Tuy nhiên, triển vọng đạt được một thỏa thuận trước hạn chót 1/8 đang trở nên khó khăn hơn sau khi ông Trump tiếp tục gia tăng sức ép.
Ngày 7/7, Nhà Trắng đã gửi đợt thư thông báo áp thuế đầu tiên tới các đối tác chưa đạt thỏa thuận với Mỹ. Theo đó, toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản sẽ phải chịu thuế 25% từ ngày 1/8, cao hơn mức công bố hồi tháng 4 là 24%. Trước đó, các mặt hàng nhôm, thép và xe hơi của Nhật cũng đã bị Mỹ áp thuế tương tự.
Gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục bày tỏ thất vọng, cho rằng "Nhật Bản không mở cửa thị trường", làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đàm phán đổ vỡ. Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Ishiba hồi đầu tháng cũng khẳng định Tokyo "sẽ không dễ dàng nhượng bộ" trước sức ép từ Washington.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản. Tuy nhiên, số liệu công bố ngày 17/7 cho thấy xuất khẩu của Nhật sang Mỹ đã giảm tháng thứ hai liên tiếp, phần lớn do tác động từ thuế nhập khẩu.
Trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ giảm 11,4% so với cùng kỳ 2024 - mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2021. Trong đó, xuất khẩu xe hơi giảm gần 27%, linh kiện ôtô giảm 15,5%, và dược phẩm giảm tới 41%.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.