'Mỹ sẽ không bay vòng quanh thế giới để làm trung gian đàm phán hòa bình ở Ukraine'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết nước này cam kết ủng hộ các nỗ lực đạt được hòa bình tại Ukraine, nhưng sẽ thu hẹp vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.
Mỹ thay đổi cách tiếp cận
"(Tổng thống Donald Trump) biết rằng có những nơi khác trên thế giới cần được chú ý. Chúng tôi sẽ không bay khắp thế giới để làm trung gian cho các cuộc gặp. Vấn đề giờ là giữa hai bên và đây là lúc họ cần đưa ra những ý tưởng cụ thể về việc chấm dứt cuộc xung đột này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce nói với báo chí hôm 1-5.
Bà cũng nói thêm rằng Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã nói rất rõ về việc phương pháp của Mỹ sẽ thay đổi "theo hướng không còn là người hòa giải".
Theo tờ Kyiv Independent, những tuyên bố này cho thấy một sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận của Mỹ, sau nhiều tháng nỗ lực ngoại giao nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn trong cuộc xung đột Nga - Ukraine bị đình trệ.
Ngoại trưởng Rubio và Tổng thống Donald Trump trước đó cũng đã cảnh báo rằng Mỹ sẽ rút khỏi vai trò hòa giải nếu các cuộc đàm phán không đạt tiến triển thực chất.
"Nếu một trong hai bên gây khó dễ, chúng tôi sẽ nói luôn: 'Các người thật ngu ngốc, tồi tệ', rồi bỏ qua luôn", ông Trump nói hôm 18-4.
Phó tổng thống Mỹ JD Vance cũng thể hiện quan điểm tương tự trong cuộc phỏng vấn hôm 1-5 với Fox News. Ông cho rằng cuộc chiến ở Ukraine "khó có thể kết thúc trong thời gian ngắn".
"Giờ vấn đề là giữa người Nga và Ukraine. Họ đều đã rõ điều kiện hòa bình của nhau là gì. Họ phải tự thỏa thuận và chấm dứt cuộc chiến tàn khốc này", ông nói.
Theo Đài Russia Today, trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 1-5, Ngoại trưởng Rubio đã trình bày những suy ngẫm về nỗ lực của Tổng thống Trump về việc giải quyết xung đột Nga - Ukraine.
Ông cho rằng Matxcơva và Washington đang gần với thỏa thuận hòa bình hơn bất kỳ thời điểm nào trong 3 năm qua. Tuy nhiên ông cảnh báo các bên vẫn còn "xa nhau" và cần phải có "một bước đột phá rất sớm" để kết thúc xung đột.
Những nỗ lực của Mỹ
Mỹ đã tăng cường nỗ lực ngoại giao về chấm dứt xung đột Nga - Ukraine, với các đề xuất ngừng bắn trong 30 ngày và lệnh ngừng bắn một phần vào các hạ tầng năng lượng dân sự.
Mỹ cũng tiến hành đàm phán với Nga tại Saudi Arabia, khiến Ukraine và các đồng minh châu Âu lo ngại về việc bị gạt khỏi tiến trình hòa bình.
Theo Đài Russia Today, truyền thông Mỹ cũng đưa tin về đề xuất thỏa thuận hòa bình của Mỹ, trong đó bao gồm việc Washington công nhận bán đảo Crimea là lãnh thổ của Nga, đóng băng xung đột dọc theo tiền tuyến.
Thỏa thuận cũng được cho là sẽ ngăn Ukraine gia nhập NATO và khởi xướng việc dỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt áp lên Nga.
Tổng thống Trump cũng đã thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin hoàn tất thỏa thuận hòa bình.
Nga vẫn khẳng định rằng bất kỳ giải pháp hòa bình nào cũng phải bao gồm việc công nhận thực tế lãnh thổ mới trên thực địa, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, cũng như đảm bảo rằng Kiev sẽ không gia nhập NATO. Tuy nhiên, Ukraine kiên quyết bác việc từ bỏ các khu vực mà Nga đã sáp nhập.