Mỹ phẩm dỏm ngập "chợ trời 4.0"

Mạng xã hội đang trở thành "chợ trời" mỹ phẩm thời 4.0, nơi người tiêu dùng chỉ nhận được "cam kết bằng miệng", gần như không thể khiếu nại nếu gặp rủi ro.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang mới đây đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Nguyễn Văn Khánh (29 tuổi, tỉnh Bắc Giang) về tội sản xuất, buôn bán hàng giả và thu giữ gần 2.500 sản phẩm. Khánh được xác định là chủ cơ sở sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả quy mô lớn, với hơn 100.000 đơn hàng được bán trót lọt qua các sàn thương mại điện tử, thu lợi hơn 6 tỉ đồng.
Công bố SPF 50, thực tế chỉ... SPF 2,4
Trong 2 tuần qua, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cũng thu hồi nhiều sản phẩm mỹ phẩm ghi công dụng không đúng với hồ sơ công bố. Ngoài 9 loại mỹ phẩm gồm sữa rửa mặt, kem dưỡng trắng, kem chống nắng... của Công ty TNHH Thương mại tổng hợp và dịch vụ Linh Anh (Phú Thọ), còn có 2 sản phẩm thương hiệu Hanayuki gồm dầu gội Hanayuki (chai 300 gr) và kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body (100 gr). Pháp nhân đứng sau thương hiệu Hanayuki là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ VB Group - do ông Nguyễn Quốc Vũ, chồng ca sĩ Đoàn Di Băng, làm đại diện pháp luật và tổng giám đốc.
Lô dầu gội Hanayuki bị thu hồi, tiêu hủy vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng, chứa chất 2-Phenoxyethanol không có trong công thức công bố và vi phạm giới hạn vi sinh vật. Trong khi đó, lô kem chống nắng thương hiệu này bị thu hồi do chỉ số chống nắng trên nhãn là SPF 50 nhưng kết quả kiểm nghiệm chỉ đạt SPF 2,4 - thấp hơn công bố gần 20 lần và gần như không có tác dụng chống nắng. Thời gian qua, Đoàn Di Băng là người quảng bá các sản phẩm này ra thị trường.
Liên tiếp các vụ việc liên quan đến mỹ phẩm giả và vi phạm chất lượng bị phát hiện gần đây khiến người tiêu dùng hoang mang. Chị Nguyễn Bích Phương (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết thường xuyên mua mỹ phẩm trên mạng vì "trên đó thứ gì cũng có, giá lại cực kỳ hấp dẫn". Chỉ cần vài thao tác lướt điện thoại là đã có thể đặt mua son, kem trắng da, serum dưỡng tóc... với đủ lời quảng cáo hấp dẫn như "chính hãng xách tay", "hiệu quả sau 3 ngày"... Thế nhưng, giờ đây chị đã "chùn tay", không dám đặt hàng online vì lo rước họa vào thân.
Mạng xã hội đang trở thành "chợ trời" mỹ phẩm thời 4.0, nơi hàng hóa thật - giả lẫn lộn, được tiếp thị công khai nhưng thiếu kiểm soát chặt chẽ. Người tiêu dùng chỉ nhận được "cam kết bằng miệng" từ người bán rằng sản phẩm là hàng thật hoặc "được hãng bảo đảm". Khi xảy ra kích ứng da, dị ứng hoặc nhiễm trùng, người mua gần như không thể khiếu nại hoặc đòi bồi thường. Đáng lo ngại, một số mỹ phẩm kém chất lượng còn chứa corticoid - chất gây bào mòn da, nhiễm độc nếu dùng lâu dài. Không ít người đã phải nhập viện sau khi sử dụng các sản phẩm làm trắng, trị mụn, trị nám "siêu tốc" mua qua mạng.
Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, cho biết đã có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh Đồng Nai - đơn vị tiếp nhận hồ sơ và cấp phiếu công bố sản phẩm - tiếp tục làm rõ các vi phạm liên quan công ty trên. "Phiếu công bố sản phẩm không ghi chỉ số chống nắng nhưng nhãn dán lại thể hiện thông tin này. Vì vậy, Cục Quản lý Dược quyết định thu hồi để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" - ông Hùng thông tin.
Theo quy định của Bộ Y tế, nhãn mỹ phẩm phải phản ánh đúng nội dung đã công bố. Tuy nhiên, trong trường hợp này, phiếu công bố không ghi chỉ số SPF 50 nhưng nhãn sản phẩm lại thể hiện thông tin này, dẫn đến sai lệch giữa nhãn và hồ sơ đăng ký. Hành vi này vi phạm quy định về ghi nhãn mỹ phẩm và có thể bị xử phạt hành chính từ 30-40 triệu đồng với cá nhân, 60-80 triệu đồng với tổ chức.
Ngày 21-5, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết Thanh tra và Phòng nghiệp vụ của sở đã kiểm tra đột xuất các sản phẩm bị đình chỉ lưu hành do Công ty CP Nhà máy y tế EBC Đồng Nai (huyện Trảng Bom) sản xuất và Công ty TNHH thương mại dịch vụ VB Gruop (TP HCM) chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
Thời điểm làm việc, đoàn ghi nhận công ty đang thực hiện 2 chuyền sản xuất, bố trí theo nguyên tắc một chiều, đường đi của nguyên liệu, bán thành phẩm tách biệt với khu vực pha chế, lưu trữ, đóng gói. Đối với sản phẩm dầu gội thương hiệu Hanayuki, phía công ty đã có thông báo về việc thu hồi 1.734/3.840 chai. Số sản phẩm thu hồi này đang lưu tại kho, số còn lại đang được Công ty TNHH Thương mại dịch vụ VB Group đang tiếp tục thu hồi. Với sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body, công ty cũng đã có thông báo và đang tiến hành thu hồi 1.652 hộp đưa ra thị trường.
Đoàn kiểm tra tạm giữ một số hồ sơ pháp lý, giấy tờ liên quan 2 sản phẩm trên (bản photo). Riêng với số lượng sản phẩm thu hồi, công ty chịu trách nhiệm lưu giữ.
Ngay sau khi sản phẩm kem chống nắng thương hiệu Hanayuki bị thu hồi, Cục Quản lý Dược đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành rà soát toàn bộ phiếu công bố sản phẩm chống nắng, đồng thời kiểm tra việc ghi nhãn, quảng cáo và lấy mẫu kiểm nghiệm để xác định chất lượng. Đồng thời, đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phối hợp đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra mỹ phẩm, đặc biệt trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.
Theo lãnh đạo Chi cục QLTT TP HCM, không riêng mỹ phẩm, các mặt hàng liên quan sức khoẻ đều là nhóm hàng trọng tâm mà chi cục tập trung kiểm soát, kiểm tra. Lãnh đạo chi cục cho hay hoạt động mua bán trên mạng ngày càng phổ biến, phức tạp, gây nhiều khó khăn cho lực lượng kiểm tra trong quá trình xác minh, truy tìm dấu vết. Chưa kể, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, trang thiết bị kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu; các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đồng bộ, chồng chéo... tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để hoạt động trái pháp luật.