Mỹ nới lỏng 'dây trói' cho ngành bán dẫn Trung Quốc

Mỹ có động thái xuống thang thương chiến đáng kể khi gỡ bỏ lệnh kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc đối với ba nhà cung cấp phần mềm thiết kế chip lớn nhất thế giới.
Theo báo South China Morning Post ngày 3-7, ba công ty phát triển phần mềm tự động hóa thiết kế chip (Electronic design automation - EDA) lớn nhất thế giới cùng thông báo đã được Mỹ gỡ lệnh kiểm soát xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc.
EDA là tập hợp các phần mềm chuyên dụng dùng để thiết kế, mô phỏng, kiểm tra và tối ưu hóa các vi mạch tích hợp (IC) và chip bán dẫn hiện đại.
Các phần mềm này tham gia vào toàn bộ quy trình thiết kế chip, từ thiết kế logic, kiểm tra lỗi, sắp xếp linh kiện đến tối ưu hiệu suất và tiêu thụ năng lượng...
Trong bối cảnh chip ngày càng phức tạp, với số lượng bóng bán dẫn trên mỗi con chip lên đến hàng tỉ, EDA đã trở thành phần không thể thiếu trong việc tự phát triển và sản xuất chip.
Trong các thông báo riêng, ba công ty này khẳng định đã được Chính phủ Mỹ thông báo rằng việc kinh doanh với Trung Quốc sẽ không cần xin giấy phép đặc biệt nữa.
Cụ thể, Công ty Synopsys dẫn lời văn bản nhận được từ Bộ Thương mại Mỹ xác nhận các biện pháp hạn chế đối với việc bán hàng cho Trung Quốc "đã được hủy bỏ và có hiệu lực ngay lập tức".
Công ty Cadence cũng khẳng định Cục Công nghiệp và An ninh trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ đã hủy bỏ các hạn chế xuất khẩu được áp đặt hồi cuối tháng 5.
Cùng lúc, Siemens Digital Industries Software (thành viên Tập đoàn công nghệ Siemens AG của Đức) tuyên bố đã nhận thông báo tương tự.
Cả Cadence và Synopsys đều cho biết đang tiến hành khôi phục lại quyền truy cập phần mềm và công nghệ của họ cho các khách hàng Trung Quốc. Siemens cho biết đã hoàn tất quá trình này.
Quyết định thay đổi chính sách này diễn ra sau khi Mỹ và Trung Quốc công bố thỏa thuận khung hôm 27-6. Khi ấy, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ "sẽ xem xét và phê duyệt các đơn xin xuất khẩu đối với các mặt hàng bị kiểm soát theo luật pháp và quy định, trong khi phía Mỹ sẽ tương ứng dỡ bỏ một loạt biện pháp hạn chế đối với Trung Quốc".
Trong nhiều tuần qua, Bắc Kinh và Washington được đồn đoán sẽ cùng nhau đi đến thỏa thuận "đổi đất hiếm lấy chip". Đây là hai mặt hàng chiến lược mà nước này sở hữu mà nước kia không có, đã được cả hai dùng để tạo áp lực lên nhau trong cuộc thương chiến căng thẳng.