Mỹ là nước duy nhất khiến ngành du lịch thất thu

"Các quốc gia khác đang trải thảm đỏ đón khách, Mỹ dường như treo biển đóng cửa", Chủ tịch kiêm CEO Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) Julia Simpson nói.
Năm 2025 được dự báo là một năm ảm đạm với ngành du lịch Mỹ khi nước này đứng trước nguy cơ mất 12,5 tỷ USD doanh thu từ khách quốc tế. Trong số 184 nền kinh tế toàn cầu được WTTC và Oxford Economics phân tích, Mỹ là quốc gia duy nhất bị dự báo mất doanh thu du lịch trong năm nay.
Theo dữ liệu từ Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), chi tiêu của khách quốc tế tại Mỹ có thể giảm xuống dưới 169 tỷ USD, tương đương mức sụt giảm 7% so với năm 2024 và thấp hơn 22% so với mức đỉnh năm 2019.
Bà Simpson cho biết hệ lụy từ đà suy giảm của ngành du lịch Mỹ có thể rất nghiêm trọng. Đây là ngành du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới, đóng góp gần 1.600 tỷ USD cho nền kinh tế, chiếm gần 9% GDP Mỹ, bao gồm các đóng góp trực tiếp và gián tiếp.
WTTC định nghĩa chi tiêu của khách du lịch được tính là đóng góp trực tiếp, các tác động dây chuyền như chi tiêu từ nhân sự ngành khách sạn, được xem là đóng góp gián tiếp. Ngành du lịch Mỹ đã tạo ra khoảng 20 triệu việc làm, đóng góp 585 tỷ USD tiền thuế mỗi năm, tương đương 7% tổng thu ngân sách.
Nguyên nhân khiến ngành du lịch Mỹ sụt giảm trong năm nay được cho là tích tụ từ nhiều năm. Các quy định phòng dịch kéo dài khiến du khách nản lòng. Đồng USD tăng giá càng làm chi phí du lịch Mỹ trở nên đắt đỏ. Du khách Nhật từng đến Mỹ rất nhiều, nhưng đồng USD mạnh khiến mọi thứ trở nên quá đắt đỏ. Điều tương tự cũng xảy ra với du khách châu Âu.
Một yếu tố khác khiến ngành du lịch đối mặt thất thu là thay đổi trong nhận thức của du khách. Chính sách "nước Mỹ trên hết" bị nhiều người đánh giá làm hình ảnh du lịch Mỹ trở nên kém thân thiện. Tâm lý e ngại này ngày càng lan rộng khiến ngành ảnh hưởng ít nhiều. "Các nhà lập pháp cần phân biệt rõ giữa du lịch hợp pháp và nhập cư trái phép", bà Simpson nói.
Thống kê từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy trong tháng 3, lượng khách từ các thị trường lớn đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường Anh giảm 15%, Đức giảm 28%, Hàn Quốc giảm 15%. Các nước khác giảm 24-33%.
New York từng được kỳ vọng sẽ phục hồi du lịch hoàn toàn sau dịch vào năm nay. Nhưng đến tháng 5, thành phố phải điều chỉnh dự báo, cho biết sẽ đón ít hơn 400.000 khách và giảm 4 tỷ USD doanh thu so với năm 2024. Khách nội địa dự kiến tăng 400.000 người, nhưng lượng khách quốc tế lại giảm gấp đôi. Năm 2024, chi tiêu từ khách quốc tế chiếm hơn 50% trong tổng số 51 tỷ USD doanh thu du lịch của New York vì họ ở lâu, tiêu nhiều hơn khách nội.
Tại các khu vực hút khách khác, 66% doanh nghiệp ghi nhận lượng đặt phòng, tour của khách Canada giảm mạnh trong năm 2025. Thống đốc bang New York Kathy Hochul cho rằng điều này một phần đến từ chính sách áp thuế và phát ngôn "Canada là bang thứ 51". Trong số các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, 26% phải cắt giảm nhân sự.
WTTC dự báo ngành du lịch Mỹ cần ít nhất đến năm 2030 để phục hồi về mức trước dịch, với điều kiện tình hình không xấu thêm. Một đề xuất đang được xem xét tại quốc hội Mỹ là tăng phí ESTA, giấy phép du lịch cho công dân các nước thuộc chương trình miễn visa, từ 21 USD lên 40 USD. Tuy nhiên, chính sách này được cho là sẽ càng làm du khách chùn bước đến Mỹ.
"Ngành du lịch vốn rất linh hoạt và có khả năng phục hồi cao. Nhưng nếu nhấn sai nút, hậu quả sẽ rất lâu dài" bà Simpson nhận định. 90% thị trường du lịch Mỹ hiện nay là nội địa, tăng trưởng sẽ càng khó khăn nếu khách quốc tế tiếp tục sụt giảm.
"Ấn Độ đang phát triển, Trung Đông đang phát triển, Trung Quốc cũng đang hút khách, châu Âu thì vẫn giữ phong độ. Chỉ có Mỹ là đang bị bỏ lại phía sau", bà Simpson nói.
Anh Minh (Theo SCMP)