Mỹ điều tra an ninh đối với máy bay thương mại, động cơ phản lực nhập khẩu

Hôm 9.5, Bộ Thương mại Mỹ mở cuộc điều tra an ninh quốc gia đối với hoạt động nhập khẩu máy bay thương mại, động cơ phản lực và linh kiện nhập khẩu.
Reuters hôm 10.5 cho biết cuộc điều tra được Bộ Thương mại Mỹ khởi động từ ngày 1.5 nhưng không công bố cho đến ngày 9.5. Cuộc điều tra này có thể hình thành cơ chế cho phép áp thuế quan cao hơn cho máy bay nhập khẩu, cũng như động cơ và linh kiện có nguồn gốc nước ngoài.
Các hãng hàng không và những nhà sản xuất đang vận động hành lang chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump để khôi phục cơ chế miễn thuế quan theo Hiệp định Máy bay Dân dụng 1979, trong đó Mỹ thụ hưởng thặng dư thương mại lên đến 75 tỉ USD/năm.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết đa số các máy bay và linh kiện nhập khẩu hiện phải chịu mức thuế 10%. Tuy nhiên, Mỹ và Anh đã ký thỏa thuận cho phép động cơ Rolls-Royce do Anh sản xuất được miễn thuế vào Mỹ.
Ngày 9.5, Bộ Thương mại Mỹ thông báo đang muốn nghe ý kiến người dân nước này về những bình luận liên quan đến mức độ ảnh hưởng của các khoản trợ cấp từ chính phủ nước ngoài và những hoạt động thương mại bán phá giá đối với khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp sản xuất máy bay thương mại và động cơ phản lực.
Giới lãnh đạo các hãng hàng không Mỹ đã nêu lên khả năng hoàn trả những máy bay đã thuê và hoãn việc giao máy bay nếu chính quyền Tổng thống Trump áp thuế quan.
Hãng Delta Air Lines cũng không sẵn sàng nộp thuế khi nhận máy bay vì cho rằng việc đánh thuế lên máy bay thương mại và linh kiện có thể làm xáo trộn sự tính toán của họ.
Máy bay lắp ráp tại Mỹ cũng không được miễn trừ, vì các nhà sản xuất máy bay phải trả thuế tăng thêm cho các bộ phận nhập khẩu.
Boeing hiện nộp thuế 10% cho các bộ phận và linh kiện mua từ Ý và Nhật Bản. Hồi tháng trước, Tổng giám đốc United Airlines Scott Kirby cho biết Airbus đã phải trả thuế cho các máy bay mà hãng đang lắp ráp tại bang Alabama.