'Mức tiền phạt vi phạm giao thông còn thấp, phải tăng lên 150 - 200 triệu'

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) nói mức tiền phạt tối đa lĩnh vực giao thông đường bộ 75 triệu hiện nay là còn thấp, chưa đủ răn đe và đề nghị phải tăng lên 150 - 200 triệu đồng.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân nêu đề xuất tăng mức tiền phạt vi phạm giao thông khi thảo luận tại tổ về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính, chiều 16.5.
Đề xuất tăng mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ từ 75 triệu hiện hành lên 150 triệu và nhiều lĩnh vực khác đã được Chính phủ quy định tại dự thảo đầu tiên. Tuy nhiên, tại tờ trình trước Quốc hội hôm 15.5, Chính phủ đã bỏ các đề xuất này khỏi dự thảo luật.
Thay vào đó, Chính phủ chỉ đề xuất cho phép TP.Hà Nội và khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc T.Ư được tăng mức phạt lên gấp 2 lần, trong một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, mức tiền phạt giao thông cũng sẽ tăng từ 75 triệu hiện hành lên 150 triệu tại TP.Hà Nội và khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc T.Ư.
Lập luận cho đề xuất của mình, bà Xuân cho rằng, bất cập nhất hiện nay là mức phạt tiền vi phạm hành chính, như mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ hiện là 75 triệu đồng là còn thấp, chưa đủ tạo sức răn đe.
Theo bà Xuân, hiện trong giao thông đường bộ có tình trạng nhờn luật, cố tình vi phạm luật trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông. Bà Xuân dẫn chứng, theo dõi các kênh thông tin thấy nhiều trường hợp cố tình lái xe ngược chiều trên cao tốc, nếu xảy ra va chạm thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.
"Tôi thấy mức phạt tiền tối đa hiện hành, kể cả Nghị định 168 của Chính phủ là chưa đủ sức răn đe. Cần phải điều chỉnh tăng mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự", đại biểu Xuân đề nghị.
Cụ thể, nữ đại biểu tỉnh Đắk Lắk cho rằng, mức tiền phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy phải tăng từ 75 triệu đồng lên 150 - 200 triệu đồng. Có như vậy mới "giải quyết được bài toán tăng sức răn đe".
Theo bà Xuân, phải tăng cường tuyên truyền giáo dục ý thức của người tham gia giao thông vì đây là biện pháp bền vững. Tuy nhiên, nếu "mức tiền phạt nó nhỏ thì người tham gia giao thông sẵn sàng bỏ ra vài chục, vài trăm ngàn đồng (tiền phạt) để cố tình vi phạm". "Do đó, tôi cho rằng cần tăng mức tiền phạt vi phạm giao thông lên 200 triệu đồng", bà Xuân nêu.
"Mức phạt cao quá, nói thật, người dân cũng rất băn khoăn"
Với quan điểm tăng mức tiền phạt vi phạm hành chính để tăng răn đe, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng với các lĩnh vực khác cũng cần phải tăng mức tiền phạt tối đa lên cao hơn.
Cụ thể như lĩnh vực dữ liệu mới được bổ sung vào luật với mức tiền phạt tối đa là 100 triệu đồng, bà Xuân cho rằng, mức thu nhập của người dân hiện nay "cũng tăng kha khá" rồi. Trong khi đó, với sự phát triển của công nghiệp 4.0, dữ liệu đang trở thành tài nguyên mới của đất nước, tư liệu sản xuất quan trọng, các hành vi kết nối, chia sẻ dữ liệu trái quy định chắc chắn ảnh hưởng xấu tới tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quyền con người và quyền công dân.
"Cho nên mức phạt tối đa 100 triệu chưa đủ mức răn đe. Có thể tăng lên mức phạt tối đa với lĩnh vực dữ liệu là 500 triệu đồng để tính răn đe đủ mạnh", bà Xuân đề xuất.
Tương tự, với lĩnh vực an ninh mạng, hiện đang được quy định mức tiền phạt tối đa là 100 triệu đồng, bà Xuân đề nghị tăng lên 200 - 250 triệu đồng. Với lĩnh vực khoáng sản và bảo vệ môi trường hiện đang có mức tiền phạt tối đa là 1 tỉ đồng, bà Xuân cũng cho rằng, có thể nâng lên 2 tỉ đồng mới đủ tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi khai thác khoáng sản lậu hay vi phạm bảo vệ môi trường.
Ngược lại, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) lại cho rằng mức tiền phạt hành chính với lĩnh vực giao thông như hiện nay "đã cao và đủ sức răn đe". Theo bà Vân, khi người dân đã "thấm nhuần rồi, nhận thức được nâng cao rồi" thì cần điều chỉnh mức phạt để phù hợp với thu nhập cũng như tài sản của người được sử dụng trong hành vi vi phạm hành chính.
Không đồng tình với đề xuất tăng mức tiền phạt vi phạm giao thông đường bộ lên 150 - 200 triệu như đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề xuất, bà Vân nói, nếu tăng mức phạt lên tới 150 - 200 triệu đồng, trong khi một chiếc xe điện của Vinfast hiện nay cũng chỉ hơn 200 triệu đồng, lương cán bộ, công chức thì có mười mấy triệu.
"Nhiều khi đang nghĩ công việc, thậm chí không nhìn đèn đỏ, cứ đi theo xe phía trước thôi cũng có thể vô tình sai luật. Mức phạt cao quá thì nói thật người dân cũng rất băn khoăn", đại biểu Vân nhấn mạnh.