Mức thuế 100% của ông Trump sẽ cứu hay giết Hollywood?

Bất ngờ, bối rối là phản ứng của một số giám đốc điều hành ở Hollywood về chỉ thị áp thuế 100% của Tổng thống Trump. Nhưng cũng có người hy vọng.
Hôm 4-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đang cho thực thi áp thuế 100% đối với các bộ phim nhập khẩu vào nước Mỹ mà được sản xuất ở nước ngoài. Chỉ thị này, giống như nhiều loại thuế khác do ông từng áp, đều nhằm mục đích đưa một ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ trở lại với quê nhà.
Lý do ông Trump đưa ra là "ngành công nghiệp điện ảnh ở Mỹ đang chết rất nhanh".
Bất ngờ, bối rối và lo sợ
Theo Los Angeles Times, phản ứng ban đầu của một số nhà điều hành giấu tên ở Hollywood là bất ngờ, bối rối và lo sợ.
Đầu tiên đề xuất này gây sốc và sẽ đảo lộn cách thức sản xuất phim trong nhiều năm qua. Do đó các nhà điều hành đang vội vã tìm cách giải thích lời kêu gọi này của tổng thống.
Nhiều nhà làm phim muốn làm việc tại Mỹ nhưng mong muốn chính phủ áp dụng chính sách tín dụng thuế quốc gia thay vì loại thuế mới này. Nhiều người lập luận rằng thuế nhập khẩu sẽ làm tăng chi phí và qua đó "đẩy nhanh sự suy tàn của ngành công nghiệp điện ảnh thay vì ngăn chặn nó".
Hơn nữa vẫn chưa rõ cách thức áp thuế đối với phim sẽ như thế nào.
"Không ai biết, và tôi không nghĩ chúng ta sẽ biết trong thời gian tới" - một giám đốc cấp cao trong ngành điện ảnh nhưng thừa nhận không được phép công khai bình luận, nói với tờ báo.
"Liệu thuế áp dụng cho các dự án sản xuất phim ở nước ngoài do Mỹ tài trợ? Hay các dự án do nước ngoài tài trợ? Thuế được tính dựa trên doanh thu phim, chi phí sản xuất, hay cả hai?" - người này nói.
Có những hy vọng
Ở phía ngược lại, một số nhà lãnh đạo trong ngành phim hoan nghênh ý định bảo vệ việc làm cho người Mỹ của ông Trump.
Ông Teamsters Sean M. O'Brien. - chủ tịch Tổng Liên đoàn Teamsters, và bà Lindsay Dougherty - giám đốc bộ phận điện ảnh cùng tuyên bố: "Các hãng phim Mỹ đang chạy theo chi phí sản xuất rẻ ở nước ngoài trong khi làm suy yếu lực lượng lao động Mỹ, những người đã xây dựng nên ngành công nghiệp phim và truyền hình".
Đề xuất thuế của Tổng thống Trump được đưa ra sau khi ông bổ nhiệm ba diễn viên gạo cội là Jon Voight, Sylvester Stallone và Mel Gibson làm "đại sứ đặc biệt" của ông tại Hollywood.
Jon Voight đã cùng người quản lý Steven Paul đến Florida để trình bày một kế hoạch với ông Trump tại Mar-a-Lago.
Kế hoạch này được xây dựng sau khi gặp gỡ các công đoàn Hollywood, các hãng phim và các nền tảng phát trực tuyến, đồng thời đưa ra nhiều phương án tiềm năng để phục hồi ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ.
Ngành phim sụt giảm 22% vì COVID-19, đình công, cháy rừng
Lâu nay các hãng phim Hollywood thường chuộng quay phim tại Canada, Anh, Bulgaria, New Zealand và Úc. Các quốc gia này cung cấp nhiều ưu đãi để thu hút các đoàn phim Hollywood có mức lương cao nhằm quảng bá các địa danh của họ trong điện ảnh Mỹ.
Để làm rõ luận điểm "ngành công nghiệp điện ảnh ở Mỹ đang chết", Los Angeles Times này đưa ra thống kê: sản xuất các chương trình truyền hình, phim truyện và quảng cáo giảm 22% trong quý đầu năm 2025 so với quý đầu năm 2024, theo tổ chức phi lợi nhuận FilmLA.
Các ưu đãi sản xuất ở nước ngoài đã làm suy yếu nền kinh tế sản xuất của Los Angeles, vốn đã suy yếu sau các đợt đóng cửa do đại dịch COVID-19.
Trong ngành xảy ra các cuộc đình công và sự cắt giảm từ các công ty giải trí truyền thống sau khi thua lỗ hàng tỉ USD trên các dịch vụ phát trực tuyến để cạnh tranh với Netflix. Các vụ cháy rừng hồi tháng 1 ở Pacific Palisades và Altadena cũng là đòn nặng giáng vào ngành.
Tuy nhiên trước việc Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế, các công ty giải trí lớn đang từ chối đưa ra bình luận với báo chí.
Một loạt câu hỏi đang được đặt ra với họ, bao gồm liệu các công ty có trụ sở tại Mỹ như Walt Disney Co., Warner Bros. Discovery, Amazon và Netflix có phải chịu thuế chỉ vì quay phim ở nước ngoài hay không?
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Điện ảnh (Motion Picture Assn.), Mỹ đạt thặng dư thương mại 15,3 tỉ USD từ việc xuất khẩu các sản phẩm giải trí (cho thấy ngành này Mỹ xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu).
"Điều này (đề xuất áp thuế mới - PV) tạo ra một sự bất ổn đáng kinh ngạc trong ngành" - ông Nick Vyas, giám đốc sáng lập Viện Chuỗi cung ứng toàn cầu Randall R. Kendrick (Kendrick GSCI) tại USC, nói "đây là ngành mà chúng ta đã tạo ra lợi thế lớn".