Mua nhầm ‘giấc mơ’: Hơn 30 căn nhà đối mặt với lệnh cưỡng chế

Hơn 30 căn nhà đa phần là của những người dân lao động nghèo nằm trên địa bàn P.Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM đang đứng trước nguy cơ bị tháo dỡ bởi lệnh cưỡng chế, nhiều người dân không khỏi trăn trở và lo lắng cho tương lai sau này.
Tại Q.12, TP.HCM, có một khu dân cư lặng lẽ tồn tại suốt hàng chục năm qua. Người dân ở đây sinh sống không bằng những giấy phép hợp pháp, mà bằng mồ hôi, nước mắt và cả sự thiếu hiểu biết pháp luật. Vì lẽ đó, hơn 30 căn nhà, là nơi sinh sống của hàng chục hộ dân lao động nghèo – nay đứng trước nguy cơ bị cưỡng chế tháo dỡ vì xây dựng trái phép.
Vợ chồng anh Nguyễn Thế Lộc, sinh sống tại hẻm 151, P.Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM đều là công nhân. Anh chị lam lũ tích cóp từng đồng lương tối thiểu để mua được một mảnh đất nhỏ, với mái nhà đầu tiên của đời mình. Khi mua căn nhà đã có sẵn, họ không biết, và cũng không được cảnh báo rằng đây là đất nông nghiệp, không được xây dựng hợp pháp. Với họ, căn nhà này là ước mơ – là sự ổn định sau chuỗi ngày thuê trọ tạm bợ. Nhưng giờ đây, họ sắp mất tất cả chỉ vì một khái niệm “trái phép” mà họ chưa từng hiểu hết.
Còn với bà Bùi Thị Đào, bị tai biến khiến bà liệt nửa người. Cuộc sống của bà giờ trông cả vào người con gái với mức thu nhập chỉ đủ sống và nuôi con. Căn nhà cũ kỹ, nhỏ bé này là nơi trú ngụ duy nhất của hai mẹ con suốt những năm vừa qua. Theo đó, cả gia đình bà mua căn nhà này từ 2015, với số tiền 250 triệu. Đến nay, khi khi nhận được thông báo nhà sẽ bị tháo dỡ. Không bồi thường. Không có chỗ ở thay thế. Bà Đào không khỏi trăn trở và lo lắng cho tương lai sau này.
Với hơn 30 hộ dân thuộc diện buộc phải phá dỡ nhà tại khu vực này cũng không khác mấy hoàn cảnh của anh Nguyễn Thế Lộc hay bà Bùi Thị Đào.
Đa số họ đều là dân lao động nghèo, dành dụm cả đời mới mua được căn nhà nhỏ để ở. Giờ đối mặt với việc phá dỡ nhà, họ hoang mang tột cùng, vì không biết giờ đây họ sẽ phải sống ở đâu, có chăng là phải đối mặt với việc thuê mướn phòng trọ để bám trụ với những định hướng mơ hồ.
Chuyện đáng nói và cũng là điều khiến người ta không khỏi day dứt, không chỉ nằm ở lệnh tháo dỡ, mà ở chỗ vi phạm đã diễn ra từ năm 2004, suốt gần hai thập kỷ chính quyền không xử lý dứt điểm; khiến nhiều người dân vô tình mua phải đất nông nghiệp, hoặc nhà xây dựng trái phép mà không hề hay biết. Họ không cố tình vi phạm, họ chỉ mơ ước một mái nhà an cư, và tin rằng nếu “có gì sai” thì đã bị ngăn chặn từ lâu. Nhưng đến khi mọi thứ đã an cư, ổn định, thì lại nhận được thông báo cưỡng chế.
Theo Kết luận thanh tra số 108 của Thanh tra Q.12, 45 công trình nhà ở vi phạm trật tự xây dựng tại khu đất Tổ 11, KP.6, P.Thạnh Xuân đã tồn tại kéo dài suốt từ năm 2004 đến 2021.
Người phân lô và chuyển nhượng phần lớn là ông Huỳnh Văn Khương, nhưng chính quyền qua nhiều thời kỳ, dù phát hiện, xử phạt, vẫn không xử lý triệt để. Có trường hợp bị lập biên bản từ năm 2004, nhưng đến tận năm 2021 vẫn chưa được cưỡng chế. Nhiều cán bộ địa chính, công chức xây dựng, Phó Chủ tịch và Chủ tịch phường qua các thời kỳ đã được nêu rõ tên trong kết luận thanh tra.
Theo ông Nguyễn Văn Quyên, Phó Chủ tịch UBND P.Thạnh Xuân, đối với những trường hợp người dân có hoàn cảnh khó khăn, thì UBND phường sẽ phối hợp với UBMTTQ phường, các ban ngành đoàn thể của phường sẽ có những biện pháp để hỗ trợ đối với người dân. Tuy nhiên về góc độ của UBND phường trong việc xử lý các công trình vi phạm sẽ được xử lý triệt để và quyết liệt.
Vụ việc trên cũng là lời cảnh tỉnh không chỉ với chính quyền, mà còn với từng người dân: Đừng bao giờ đặt cược cả cuộc sống gia đình lên những mảnh đất không rõ pháp lý. Hãy kiểm tra quy hoạch, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng qua UBND phường, văn phòng đăng ký đất đai, trước khi ký mua bất cứ mảnh đất nào. Bởi khi rủi ro xảy ra, người gánh chịu đầu tiên và đôi khi duy nhất chính là người mua.