Nhảy đến nội dung

Mua khô cá dứa nhưng nhận về cá tra

Tôi từng là người rất thích ăn khô cá dứa, loại đặc sản đậm đà hương vị có thể làm nên bữa cơm ngon miệng. Trước đây, tôi thường mua của một người quen ở Cà Mau, hàng được gửi xe khách lên tận nơi, thơm ngon, chuẩn vị.

Nhưng từ khi chị ấy nghỉ bán, tôi bắt đầu hành trình đi tìm lại hương vị quen thuộc trên mạng. Không khó để tìm thấy hàng loạt lời mời chào hấp dẫn: "Khô cá dứa chính gốc Cà Mau", "Hàng tuyển"...

Tôi chọn một người bán có vẻ uy tín, đọc bình luận khách cũ thấy cũng yên tâm. Sau khi trò chuyện, xác nhận kỹ càng rằng đây là cá dứa thật, tôi đặt hàng.

Gói khô được giao đến, trông bắt mắt, có nhãn mác đàng hoàng. Nhưng khi đem ra chế biến, vừa cắn một miếng, mỡ chảy ra, nghe mùi thì tôi biết đó là cá tra. Tôi không phải người đầu tiên, cũng chắc chắn không phải người cuối cùng trở thành nạn nhân của những cú lừa trong lĩnh vực thực phẩm.

Những tháng gần đây, hàng loạt vụ việc gây xôn xao dư luận: kẹo rau củ, sữa giả, lòng se điếu... Mỗi tháng dường như lại có một vụ lùm xùm liên quan đến thực phẩm, mặt hàng gắn bó trực tiếp với sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng.

Vấn đề không chỉ nằm ở những kẻ bán hàng gian dối, mà còn nằm ở một hệ thống thiếu kiểm soát và sự thờ ơ trong bảo vệ người tiêu dùng. Những chiêu trò trộn lẫn cá tra giả cá dứa, rao hàng xịn bán hàng dỏm, in nhãn mác giả... không phải là mới.

Nhưng tại sao chúng vẫn tồn tại? Phải chăng vì xử phạt chưa đủ nghiêm, kiểm tra chưa sát sao, hay vì thói quen "mua hàng theo lời quảng cáo" của chúng ta đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho gian thương?

Trong khi đó, người tiêu dùng như tôi không có nhiều công cụ để bảo vệ mình. Khi bị lừa, thường chỉ biết im lặng hoặc đăng vài dòng bức xúc trên mạng xã hội.

Có những người chọn cách tiếp tục im lặng vì nghĩ "thôi vài trăm nghìn, rút kinh nghiệm". Nhưng chính sự dễ dãi ấy lại là chất xúc tác để hành vi gian lận tiếp diễn.

Phúc Nhi