Nhảy đến nội dung
 

Mua gói bảo hiểm nhân thọ hơn 500 triệu đồng, người đàn ông được thông báo: "Sau 25 năm, số tiền anh nhận về có thể chỉ vài nghìn đồng"

"Tôi từng nghĩ, bảo hiểm nhân thọ là một khoản đầu tư dài hạn – đóng vài trăm triệu, sau này sẽ nhận lại một khoản lớn. Nhưng nhiều năm sau, tư vấn viên thông báo, nếu rút, số tiền tôi nhận về có thể chỉ còn lại... vài chục triệu sau 7 năm, thậm chí vài nghìn đồng sau 25 năm."

Anh N.Đ.A (38 tuổi), nhân viên IT tại Hà Nội đã có chia sẻ trải nghiệm sau khi tham gia bảo hiểm nhân thọ 7 năm với số tiền đóng hơn 200 triệu đồng.

"Năm 2018, tôi là nhân viên IT tại một công ty công nghệ với thu nhập khá ổn định, gần 50 triệu đồng/tháng. Khi đó, tôi 31 tuổi, hai con tôi đang sắp vào lớp. Với vai trò trụ cột gia đình, tôi quyết định ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đầu tiên trong đời.

Sau thời gian tham khảo thị trường, tôi lựa chọn gói bảo hiểm có thời hạn 15 năm, mỗi năm tôi đóng khoảng 35 triệu đồng. Tổng cộng sau 15 năm, số tiền đóng ước tính khoảng hơn 500 triệu đồng.

Tôi được tư vấn rằng nếu chẳng may gặp tai nạn, số tiền chi trả có thể lên tới gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, nếu chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, tôi sẽ được nhận khoảng 500 triệu đồng. Tôi thấy hợp lý, bởi trong trường hợp xấu nhất, ít nhất gia đình tôi vẫn còn một khoản dự phòng để tiếp tục sống và nuôi dạy con cái.

Thêm vào đó, tôi và hai con còn được cấp thẻ bảo hiểm chăm sóc sức khỏe. Như vậy, tôi được chi trả viện phí, thuốc men, giường bệnh, chi phí phẫu thuật... Đây là điều khiến tôi yên tâm nhất.

Với tôi khi đó, đây là một "kế hoạch kép" – vừa phòng ngừa rủi ro, vừa như một hình thức tiết kiệm dài hạn. Tôi càng an tâm hơn khi được nhân viên bảo hiểm tư vấn rằng, dù chỉ đóng phí trong 15 năm, tôi vẫn sẽ được bảo vệ tới 25 năm mà không cần đóng thêm. Tôi nghĩ, "Bảo hiểm giống như gửi tiết kiệm nâng cao – được bảo vệ, có tiền sau này, lại yên tâm lúc ốm đau".

Thế nhưng, vào tháng 3/2025, khi công ty bắt đầu tái cấu trúc, thu nhập của tôi bất ngờ bị cắt giảm hơn 30%. Gói bảo hiểm giờ đây chiếm phần lớn thu nhập hàng tháng khiến tôi bắt đầu cân nhắc cắt bớt.

Tôi liên hệ với nhân viên tư vấn để hỏi về khả năng rút lại hoặc tạm ngưng hợp đồng. Và những gì tôi nghe được khiến tôi rất bất ngờ.

Sau 7 năm tham gia, tôi đã đóng hơn 200 triệu đồng. Nhưng nếu rút hợp đồng ngay lúc đó, tôi chỉ có thể nhận về khoảng 20 – 30 triệu đồng. Tư vấn viên giải thích rằng phần lớn số tiền tôi đã nộp sẽ vào các loại phí, gồm: Phí bảo hiểm cho quyền lợi chính (nhân thọ): hiện chiếm khoảng 60% số phí mỗi năm. Phí quyền lợi bổ sung: bệnh hiểm nghèo, thẻ chăm sóc sức khoẻ, chiếm thêm 40%.

Hàng năm, tôi sẽ phải chi trả thêm khoản phí như: Phí quản lý hợp đồng, phí rủi ro bảo hiểm. Và đặc biệt, nếu rút sớm trước thời điểm hợp đồng, tôi phải chịu phí rút trước hạn. Mức phí này khoảng 90% giá trị tài khoản trong 1-3 năm đầu, sau sẽ giảm dần.

Ngoài ra, sau khi kết thúc thời gian đóng phí, tức sau 15 năm, phần tài khoản còn lại (nếu có) sẽ tiếp tục bị trừ phí bảo hiểm hằng năm để duy trì quyền bảo vệ trong 10 năm tiếp theo.

Nhân viên tư vấn cho biết: "Sau 25 năm, số tiền anh nhận về có thể chỉ vài nghìn đồng". Tuy nhiên, đây chỉ là số tiền ước tính, vì số tiền nhận về còn phụ thuộc vào các khoản phí và lãi suất đầu tư của bảo hiểm.

Lý do là bởi số tiền tôi đóng dù lớn nhưng sẽ "hao mòn" bởi các phí trôi là phí bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, thẻ sức khoẻ. Và trong 10 năm "được bảo vệ thêm", tôi không nộp thêm phí nào nhưng khoản còn lại (đã từng đóng trong 15 năm trước đó) tiếp tục bị trừ cho các khoản phí như: phí bảo hiểm rủi ro, phí quản lý hợp đồng, phí quản lý quỹ,... 

Lúc này, tôi nhận ra, mình kỳ vọng sai lệch vì không hiểu bản chất sản phẩm. Tôi từng nghĩ, đóng hơn 500 triệu thì 25 năm sau kiểu gì cũng rút lại được một khoản lớn. Nhưng giờ tôi hiểu: bảo hiểm nhân thọ này không phải để sinh lời như tiết kiệm ngân hàng hay đầu tư tài chính.

Sản phẩm tôi tham gia thực chất là bảo hiểm bảo vệ thiên về sức khỏe và rủi ro. Những quyền lợi mà tôi và các con được hưởng bao gồm: được chi trả chi phí nằm viện, đến chi trả khi gặp tai nạn hay mắc bệnh hiểm nghèo,...

Tôi nghĩ, nhiều người giống như tôi. Nghe đến con số "2 tỷ đồng" hay "bảo vệ 25 năm", là hình dung rằng đó vừa là bảo hiểm, vừa là một khoản tiết kiệm lớn. Nhưng thực ra, nếu không hiểu kỹ, người mua sẽ dễ thất vọng, thậm chí cảm thấy bị lừa.

Tôi không trách công ty bảo hiểm, nhưng giá như người tư vấn mời tôi mua nói rõ hơn ngay từ đầu thì có lẽ tôi sẽ không bị hiểu nhầm đáng tiếc. Tôi cũng học được rằng, đừng ký một hợp đồng mà không đọc kỹ bảng minh họa và các điều khoản về phí, giá trị hoàn lại, và điều kiện rút hợp đồng.

Tôi cho rằng, nếu hiểu đúng, bảo hiểm nhân thọ là một công cụ hữu ích để bảo vệ tài chính của bạn và gia đình khỏi những biến cố bất ngờ như bệnh tật, tai nạn, tử vong.

Quan trọng không phải là bạn nhận lại bao nhiêu tiền sau 25 năm, mà là trong suốt 25 năm đó, bạn có được sự an tâm không? Gia đình bạn có khoản tài chính tốt nếu rủi ro xảy ra. Đó là điều mà khi lựa chọn bảo hiểm, bạn cần nghĩ tới.