Mua, bán vàng từ 20 triệu dự kiến phải chuyển khoản

Bộ Tư pháp vừa công bố Hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng do Ngân hàng Nhà nước xây dựng.
Theo dự thảo này, Ngân hàng Nhà nước quy định mỗi khách hàng mua, bán vàng có giá trị từ 20 triệu đồng trong ngày trở lên phải thực hiện chuyển khoản (từ tài khoản của người mua tới tài khoản của doanh nghiệp).
Điều này, theo Ngân hàng Nhà nước, nhằm đảm bảo yêu cầu về xác thực thông tin khách hàng và tăng tính công khai, minh bạch trong giao dịch mua, bán vàng.
Tương tự tại dự thảo từng công bố trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng dự kiến xóa bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng, cũng như xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ không độc quyền sản xuất vàng miếng. Có thêm một số thương hiệu khác đủ điều kiện được sản xuất, bên cạnh SJC. Người dân sẽ có nhiều lựa chọn, thị trường có sự cạnh tranh hơn, góp phần hạn chế chênh lệch về giá vàng giữa các sản phẩm, thương hiệu.
Ngân hàng Nhà nước dự kiến cấp hạn mức hàng năm và giấy phép từng lần cho doanh nghiệp, ngân hàng thương mại thỏa điều kiện để xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng và giấy phép từng lần để nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Doanh nghiệp muốn được cấp phép sản xuất vàng miếng phải có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng, còn yêu cầu với ngân hàng là 50.000 tỷ. Các đơn vị này phải trong danh sách đang được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán kim loại quý, không bị xử phạt hoặc đã khắc phục xong nếu vi phạm.
Trên cơ sở tổng hạn mức hàng năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp hạn mức cho doanh nghiệp, ngân hàng thương mại theo quy mô vốn điều lệ; tình hình xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu của các năm trước (nếu có) và nhu cầu của doanh nghiệp và ngân hàng.
Dự thảo nghị định cũng bổ sung cơ chế tăng nguồn cung cho sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được cấp phép nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và trang sức mỹ nghệ. Họ cũng có thể bán lại nguyên liệu này cho đơn vị khác có giấy phép sản xuất vàng miếng hoặc kinh doanh trang sức, mỹ nghệ.
Theo Ngân hàng Nhà nước, số doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ là rất lớn. Việc cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu do đó cần được thiết kế một cách tối ưu. Do đó, với sự tham gia của các ngân hàng thương mại đồng thời với các doanh nghiệp lớn, việc nhập khẩu và phân phối vàng nguyên liệu cho mục đích sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ sẽ đảm bảo cạnh tranh, minh bạch hơn.
Tại Trung Quốc - quốc gia có thể chế tương đồng với Việt Nam và có thị trường vàng rất phát triển - Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hiện cũng chỉ cấp phép nhập khẩu vàng cho 13 ngân hàng thương mại (bao gồm 9 ngân hàng nội địa và 4 ngân hàng nước ngoài).
Góp ý cho dự thảo, một số doanh nghiệp và ngân hàng cũng đề nghị mở rộng phạm vi của Nghị định để hướng tới giao dịch trên sàn giao dịch vàng trong tương lai nếu có. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho biết hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản sẽ được nghiên cứu, hướng dẫn sau cùng với việc hình thành Sở giao dịch vàng tập trung.
Quỳnh Trang