Một thoáng Vân Đồn

TP - Tôi đến Vân Đồn (Quảng Ninh) như một khách phương xa, nhưng lại mang tâm thế của kẻ đã thuộc về nơi ấy tự bao giờ. Câu thơ của cụ Nguyễn Trãi gần 600 năm trước khi qua vùng biên cương gấm vóc vang vọng đâu đây, như thúc giục: “Đường Vân Đồn núi rồi lại núi - Kỳ quan này đất nối trời xây”.
Giữa vịnh biển mênh mang, khi tay cầm lái chiếc ca nô nhỏ xé nước mà đi, tôi không còn là một khách du lịch - mà như kẻ lãng du, đang lướt trên giấc mơ của chính mình.
Buổi sáng tinh khôi
Buổi sáng ở Vân Đồn có một vẻ đẹp không ồn ào, không trưng trổ. Mặt biển tĩnh lặng như chưa từng có ai chạm đến. Nước trong như lọc, ánh lên sắc xanh ngọc dịu dàng, phản chiếu từng vệt mây trôi như lụa. Trên bến tàu, ngư dân tranh thủ cọ rửa tàu thuyền, mua thêm nước ngọt và bán nốt mẻ cá đêm qua.
Những dãy núi đá sừng sững, hòn to hòn nhỏ, đủ hình thù hiện ra trên mặt cảng Cái Rồng, thực ra đã kéo dài từ Hạ Long ra đến Vân Đồn. Trang điểm cho Cái Rồng và cả cảng Quốc tế Ao Tiên mới…có lẽ, ở đây, núi đá chính là những mỏ vàng cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ. Chả thế mà, những tỷ phú thế giới đến Vân Đồn thường chọn du thuyền để mà neo đậu, mà ngắm, mà chơi thoả thê trên vịnh.
![]() |
Bến ca nô cảng Quốc tế Ao Tiên – Vân Đồn |
Núi xếp núi trên mặt biển Vân Đồn thông ra vịnh Bái Tử Long - Hạ Long tạo nên khung cảnh như tranh thuỷ mặc. Chúng nhô lên từng cụm, từng lớp, có lớp rõ như vừa mới được tạc nên bởi bàn tay thiên tạo, có lớp mờ mịt như ảo ảnh vừa tan trong sương mai.
Mặt nước lặng như tờ, phản chiếu từng đám mây trắng trôi hững hờ. Trong khoảnh khắc ấy, lòng người cũng trở nên nhẹ tênh, trong trẻo như mới được gột rửa bởi gió sớm và hương mặn nồng của biển cả.
Lướt giữa mây nước tự do
Buổi sáng ấy, tôi tỉnh giấc ở một chốn xa, nhưng lại thấy thân quen đến lạ kỳ. Như thể biển, núi, mây trời nơi đây đã từng len vào một giấc mơ đẹp nào đó rất xa. Với tôi, Vân Đồn trong chuyến đi này là như thế.
Tôi tự mình lái ca nô lướt qua những lớp sóng mịn như lụa, băng qua vịnh sớm trong lành. Mặt biển xanh như một áng mây trôi ngược, núi đá thì trầm mặc, như lớp lớp tấm bình phong khổng lồ bảo vệ một cõi thiên nhiên còn nguyên sơ. Cảm giác ấy - được cầm tay lái, hướng về phía chân trời - thật khó gọi tên. Tự do? Ừ, có lẽ là thế.
Ra đến một vùng biển lặng gió, tôi chuyển lái cho anh Hà - chủ tàu kiêm hướng dẫn viên, để chụp ít ảnh và quay tư liệu kỷ niệm cho chuyến đi đáng nhớ.
Không xa chỗ chúng tôi, những con tàu du lịch lộng lẫy đưa khách ra Quan Lạn, Cô Tô, Bái Tử Long… Có những thuyền câu của ngư dân nhẹ trôi trong nắng mai, phản chiếu xuống mặt nước ánh vàng ánh bạc lấp lánh như ai đó vừa rắc kim tuyến lên mặt biển.
Chợt có cơn mưa nhẹ và tôi lặng đứng ngắm biển trong mưa - một trải nghiệm gần như thoáng chốc rơi vào thiền định. Mưa không làm biển xám đi, mà ngược lại, làm cho nước và trời như tan vào nhau trong một thoáng mộng mơ, hữu tình.
Bên bờ xa, những khách sạn mới đang mọc lên - tô điểm cho một Vân Đồn đang chuyển mình. Từ một huyện đảo yên bình, nơi đây đang hóa thân thành một đặc khu trù phú, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp mềm mại và khí chất riêng không lẫn vào đâu được.
Cảnh sắc đẹp - và nhịp sống cũng bắt đầu chuyển mình. Những tiếng động nhỏ: tiếng máy nổ tàu, tiếng người gọi nhau, tiếng nước vỗ… đủ để biết rằng ngày mới ở vùng đảo đã bắt đầu với bao hy vọng về cuộc đổi thay chưa từng có của một vùng đất đang lên.
![]() |
Tác giả trải nghiệm lái ca nô ở biển Vân Đồn |
Với tôi, tự lái ca nô trên vịnh không chỉ là trò chơi cảm giác mạnh. Đó là hành trình làm chủ trải nghiệm của chính mình, nơi ta không muốn ai hướng dẫn, không muốn bản đồ, chỉ có bản năng, khát khao và tình yêu biển cả dẫn lối. Cảm giác được điều khiển, được hòa mình, được “thuộc về” - đó là thứ xa xỉ mà nhiều tour du lịch truyền thống không thể có.
Để giữ “cái hồn trong trẻo” của du lịch sinh thái biển, Đặc khu Vân Đồn phải bảo vệ môi trường, kiểm soát xây dựng và tuyệt đối tránh “bê tông hóa vô hồn” lan đến những vùng di sản. Kinh tế biển xanh, nuôi trồng hải sản bền vững, sẽ giúp người dân trụ vững trước thiên tai.
Trong một thế giới mà du lịch đang dần trở thành công nghiệp, thì những trải nghiệm tự do, cá nhân hoá, gần gũi với thiên nhiên chính là “mỏ vàng” của tương lai. Và Vân Đồn, với vị trí chiến lược và vẻ đẹp còn giữ nguyên sơ, hoàn toàn có thể trở thành điểm sáng “có một không hai” về du lịch.
Tôi đã có được trải nghiệm tự lái ca nô ra vịnh - nhưng điều khiến tôi nhớ mãi là: trái tim tôi đã lái một giấc mơ ra khơi. Và sau chuyến đi đáng nhớ ấy, từ 1/7 năm nay, Vân Đồn chính thức trở thành Đặc khu theo địa giới hành chính mới.
Bảo vệ “hồn biển”
Tự do du lịch, tự do trải nghiệm đang là xu thế toàn cầu. Những hành trình cá nhân hóa, như lái ca nô giữa vịnh, leo núi, đi bộ trên đảo để chạm vào thiên nhiên một cách trực tiếp và có ý thức, đang trở thành điểm cộng đặc biệt. Vân Đồn - với hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ, có 20.000 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, hơn 1.000 tàu cá và tàu du lịch -có đủ tiềm năng trở thành một “thủ phủ trải nghiệm biển cao cấp” của miền Bắc.
![]() |
Những resort mới đang mọc lên |
Tuy nhiên, để điều đó thành hiện thực, cơ chế đặc khu kinh tế cần thật sự đặc biệt - không chỉ trên giấy tờ. Người dân địa phương như anh Hà - những chủ tàu, người lái ca nô - cần được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, được cấp phép nhanh gọn, tập huấn an toàn hàng hải, quản lý tàu thuyền. Và quan trọng, trong một chính quyền số, cần cấp phép dễ dàng và minh bạch, tránh để họ sa vào “ma trận thủ tục” hay nạn phí không chính thức - vốn dễ làm nản lòng người làm thật. Bởi chính những người như anh Hà mới là “linh hồn” của du lịch trải nghiệm.
Tự lái ca nô ra vịnh là một cảm giác lạ lẫm mà thân quen: vừa phiêu lưu, vừa tỉnh thức. Đó không chỉ là cuộc hành trình bằng đôi chân, mà bằng cả trái tim đang muốn tự do. Lướt qua từng cơn gió mặn, từng vệt nắng sớm, tôi cảm thấy mình như đang viết nên những dòng đầu tiên trong cuốn sách du lịch đời mình.
Đồng thời, bài học từ cơn bão Yagi 2024 - khiến nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trắng tay - cho thấy: phát triển du lịch biển không thể tách rời chiến lược kinh tế xanh. Phải quy hoạch nghiêm ngặt, quản lý chặt chẽ xây dựng, ngăn chặn lấn biển và tuyệt đối không để bê tông hoá vô hồn xâm lấn vào di sản thiên nhiên. Bởi cái hồn trong trẻo - từ làn nước, ngọn gió, tiếng chim, nụ cười ngư dân… mới là thứ khiến người ta muốn quay lại.
Cơ chế đặc khu nếu chỉ để “thu hút đầu tư” mà không bảo vệ được giá trị bản địa và con người địa phương, thì rất dễ biến Vân Đồn thành một bến cảng thương mại khô khốc - thay vì một vùng vịnh đầy thơ, đầy mơ, đầy tương lai bền vững. Tự do du lịch là ước mơ, nhưng đi cùng đó là trách nhiệm - để giấc mơ ấy không bị đánh đổi bằng cái giá quá đắt từ thiên nhiên và con người.