Nhảy đến nội dung
 

Một mình chăm sóc bố chồng 15 năm, con dâu chỉ nhận về túi bánh khô nhưng lại là người hưởng lợi nhiều nhất

Cô Lưu bất ngờ trước món quà bố chồng để lại.

Cô Lưu về làm dâu nhà họ Lưu năm 27 tuổi, chồng là con trai thứ hai trong gia đình. Không giống các chị em dâu khác, sau khi mẹ chồng mất, cô tình nguyện ở lại chăm sóc bố chồng, khi ấy đã ngoài 70 tuổi và sức khỏe yếu dần. Những tưởng đó chỉ là một giai đoạn ngắn, nhưng rồi chồng cô bận rộn công tác xa, các anh chị em khác thì đã ra riêng, người phụ nữ nhỏ bé ấy một mình đảm nhận tất cả việc cơm nước, tắm rửa, đưa bố chồng đi viện mỗi tháng.

Cô không kêu ca, cũng chẳng kể công. Mọi người trong họ hàng nhìn vào đều nghĩ cô "ngốc" , làm dâu mà như người giúp việc không công. Thậm chí, một vài người thân còn châm chọc rằng "lo chuyện không đâu, già rồi thì ai cũng vậy cả".

Có lần bố chồng lên cơn đau thắt ngực lúc nửa đêm, cô Lưu một tay cõng ông xuống cầu thang chung cư cũ, gọi taxi đưa đi bệnh viện vì lúc đó không ai bắt được xe cấp cứu. Cô nhịn ăn để tiết kiệm tiền thuốc cho ông, thậm chí bán cả vòng vàng hồi môn để lo viện phí.

"Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đơn giản: bố là người sinh ra chồng mình, nếu mình không chăm thì ai chăm?", cô từng trả lời ngắn gọn khi được hàng xóm hỏi tại sao chịu cực như vậy.

Ngày tang lễ và chiếc túi bánh khô

Ngày ông Lưu mất, lễ tang diễn ra suôn sẻ. Sau nghi lễ, luật sư gia đình đến đọc di chúc. Từng phần tài sản được phân chia rõ ràng: đất đai, nhà cửa, sổ tiết kiệm, tất cả đều được chia đều cho 3 người con trai và 1 người con gái.

Khi đến lượt cô Lưu, luật sư chỉ trao cho cô một chiếc túi vải nhỏ. Bên trong là vài gói bánh khô mà ông Lưu hay ăn, kèm theo một mẩu giấy viết tay: "Cảm ơn con vì 15 năm trời đã lo lắng cho bố từng bữa ăn, từng viên thuốc. Cái bánh này không đáng giá gì, nhưng là thứ bố vẫn ăn cùng con mỗi chiều. Phần còn lại, bố để lại ở nơi khác, khi đến lúc, người ta sẽ báo cho con."

Cô Lưu cầm túi bánh, im lặng không nói gì. Mấy người em chồng nhìn nhau, có chút ái ngại nhưng cũng không ai lên tiếng.

40 ngày sau khi tang lễ kết thúc, cô Lưu được một công chứng viên liên hệ. Hóa ra, trước lúc mất 3 năm, ông Lưu đã âm thầm lập một bản di chúc riêng, dưới dạng tài sản ẩn danh gửi tại ngân hàng, đứng tên một người thứ ba là bạn thân của ông, kèm chỉ định rõ: sau 40 ngày kể từ ngày ông mất, toàn bộ số tài sản này sẽ chuyển sang tên cô Lưu.

Tổng giá trị tài sản là hơn 3 triệu tệ (gần 10 tỷ đồng), bao gồm sổ tiết kiệm, cổ phần tại một công ty địa phương và một căn hộ chưa từng công khai với các con cái. Tất cả đều được giữ kín để tránh sự ganh tỵ, thị phi trong gia đình. Chỉ duy nhất cô Lưu được biết sự thật sau cùng.

Luật sư của gia đình cho biết: "Ông Lưu lo sợ nếu công bố ngay tại lễ tang, các con ruột sẽ ghen tỵ, gây áp lực cho cô Lưu. Ông chọn cách âm thầm để bảo vệ người con dâu mà ông tin tưởng."

Câu chuyện của cô Lưu khiến dư luận Trung Quốc xúc động. Không ít người từng chỉ trích cô "chăm bố chồng như người ở", giờ đây lại bày tỏ sự ngưỡng mộ. Bởi lòng hiếu thảo, sự tử tế cô dành ra suốt 15 năm, hóa ra vẫn được ghi nhận, dù không bằng lời nói hay ánh mắt lúc sinh thời.

Cô Lưu cũng không tổ chức ăn mừng, không khoe khoang gì. Cô chỉ trích một câu ngắn trong lần gặp luật sư: "Tôi không nghĩ ông để lại gì cho tôi cả. Nhưng nếu ông thật sự làm vậy, thì tôi chỉ có thể dùng nó để sống tiếp phần đời còn lại - tử tế như cách ông đã sống.

Theo Toutiao