Một mặt hàng của Việt Nam khiến Campuchia trở thành ‘khách ruột’ nhiều năm liên tiếp: Vừa thu về gần nửa tỷ USD, nước ta có sản lượng 8 triệu tấn mỗi năm

Campuchia, Hàn Quốc đều đang đua nhau săn lùng mặt hàng này của Việt Nam.
Theo số liệu sơ bộ của Cục Hải quan, trong tháng 6/2025, Việt Nam xuất khẩu được hơn 171 nghìn tấn phân bón, trị giá hơn 77 triệu USD, giảm 8,3% về lượng, giảm 0,6% về kim ngạch so với tháng 5. Giá trung bình đạt 453 USD/tấn, tăng 8,5%.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu phân bón đạt hơn 1,1 triệu tấn, trị giá hơn 449 triệu USD, tăng 23,9% về lượng, tăng 24,2% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2024. Giá trung bình 402 USD/tấn, tương đương với mức giá của 6 tháng đầu năm 2024.
Xét về thị trường, phân bón của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Campuchia với hơn 379 nghìn tấn, trị giá hơn 144 triệu USD, tăng mạnh 52% về lượng và tăng 41% về trị giá so với cùng kỳ. Giá trung bình 380 USD/tấn, giảm 7% so với 6T/2024.
Đứng thứ 2 là thị trường Hàn Quốc với hơn 108 nghìn tấn, trị giá hơn 44 triệu USD, tăng 14% về lượng và tăng 13% về trị giá. Giá bình quân 410 USD/tấn, giảm nhẹ 1%.
Malaysia là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của phân bón Việt Nam với 80.681 tấn, trị giá 33,9 triệu USD, tăng 33,8% về lượng, tăng 56,9% về kim ngạch. Giá trung bình 420 USD/tấn; tăng 17,2% so với 6T/2024.
Đối với ngành phân bón Việt Nam, Campuchia đóng vai trò là khách hàng lớn nhất trong nhiều năm qua. Trước đó trong năm 2024 vừa qua, Campuchia đã mua 592.121 tấn phân bón từ Việt Nam, tăng 1,4% so với năm 2023. Giá trị xuất khẩu đạt 240,82 triệu USD, giá trung bình 406,7 USD/tấn giảm 3,6% về giá so với năm 2023.
Trên thị trường Campuchia hiện có sản phẩm phân bón của nhiều công ty phân bón, trong đó có các công ty lớn như Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty Phân bón Quốc tế Năm sao và Công ty Đạm Phú Mỹ, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang.
Đặc biệt, Campuchia là thị trường trọng điểm trong xuất khẩu của Đạm Cà Mau bởi nhu cầu tiêu thụ phân bón không ngừng tăng trưởng liên tục với tốc độ cao qua các năm. Theo dữ liệu của Chứng khoán An Bình, nhu cầu tiêu thụ ure hàng năm của Campuchia ở mức 380.000 - 410.000 tấn, phân DAP là từ 250.000 - 280.000 tấn/năm, và phân NPK là từ 260.000 - 300.000 tấn/năm.
90% nhu cầu tiêu thụ ure của Campuchia là ure hạt đục, tập trung tại các vùng nông nghiệp trọng điểm như khu vực Biển Hồ và các tỉnh giáp ranh. Trong khi đó, Đạm Cà Mau hiện là doanh nghiệp phân bón Việt Nam duy nhất sản xuất được loại sản phẩm này.
Sản lượng phân bón của Việt Nam đáp ứng khoảng 8 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu trong nước ước tính trên 11 triệu tấn, bao gồm cả phân bón vô cơ và hữu cơ. Việt Nam có sự mất cân đối trong cơ cấu sản xuất, dẫn đến tình trạng dư thừa một số loại phân bón nhưng lại thiếu hụt ở các loại khác.
Dự báo xuất khẩu phân bón năm 2025 cho thấy xu hướng tăng trưởng tích cực, đặc biệt là sang các thị trường truyền thống như Campuchia, Hàn Quốc và Malaysia, đồng thời mở rộng sang các thị trường mới như châu Âu. Tuy nhiên, giá phân bón có thể chịu áp lực giảm nhẹ do Trung Quốc dự kiến xuất khẩu trở lại, đặc biệt là phân ure.