Nhảy đến nội dung

Một thế kỷ xung trận và tự hào báo chí Quảng Bình

TPO - Chiều 8/5, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình phối hợp với Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Trưng bày chuyên đề “Báo chí Cách mạng Việt Nam: Một thế kỷ xung trận và tự hào báo chí Quảng Bình” hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

TPO - Chiều 8/5, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình phối hợp với Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Trưng bày chuyên đề “Báo chí Cách mạng Việt Nam: Một thế kỷ xung trận và tự hào báo chí Quảng Bình” hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Cách đây 100 năm, ngày 21/6/1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ báo Thanh Niên, mở đầu cho dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, báo chí Cách mạng đã không ngừng lớn mạnh, đồng hành cùng dân tộc trong các giai đoạn lịch sử.

Một thế kỷ xung trận và tự hào báo chí Quảng Bình ảnh 1
Nghi lễ cắt băng khai mạc.

Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, báo chí Cách mạng Việt Nam đã trở thành vũ khí sắc bén, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, đồng thời vạch trần tội ác của kẻ thù.

Trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, báo chí Cách mạng Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, phản ánh những thành tựu của công cuộc đổi mới, đồng thời đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực, thúc đẩy xã hội phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Các thế hệ người làm báo Việt Nam dưới ngọn cờ cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận thức làm báo để phục vụ đất nước và nhân dân, như Bác Hồ đã căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Một thế kỷ xung trận và tự hào báo chí Quảng Bình ảnh 2

Đông đảo cán bộ và nhân dân tham quan tại điểm trưng bày.

Hoà chung dòng chảy của báo chí Cách mạng Việt Nam, tỉnh Quảng Bình được xem là cái nôi sinh ra, nuôi dưỡng nhiều nhà báo tên tuổi, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vừa là một nhà lãnh đạo quân sự xuất chúng vừa là một nhà báo xuất sắc; nhà báo, Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân; nhà báo Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông…

Nhiều nhà báo từ quê hương Quảng Bình đã chọn ngòi bút làm vũ khí, chọn sự thật làm lý tưởng sống và sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nữ nhà báo Nguyễn Thị Thanh Xuân, phóng viên báo Quảng Bình - người con gái Đồng Hới giàu nghị lực, giàu lòng yêu nước, là tác giả của nhiều bài viết đầy cảm hứng cổ vũ tinh thần “Hai giỏi” - vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu giỏi.

Trong một lần tác nghiệp giữa mưa bom đạn, chị đã anh dũng hy sinh ở tuổi 24, để lại nhiều tiếc thương trong lòng đồng nghiệp và nhân dân, để lại tuổi thanh xuân mãi mãi cho đất nước.

Hay nhà báo Bùi Đình Túy, quê ở Quảng Trạch - một trong những người đầu tiên vinh dự chụp ảnh màu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà báo Bùi Đình Tuý từng đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng, phụ trách công tác nhiếp ảnh của Sở Thông tin Sài Gòn.

Một thế kỷ xung trận và tự hào báo chí Quảng Bình ảnh 3
Tự hào báo chí Quảng Bình trong chiến tranh chống chống Mỹ.

Dấn thân vào những điểm nóng ác liệt nhất của chiến trường miền Nam, ông đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ đưa hình ảnh chân thực nhất về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đến với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.

Hoàng Nam