Một công ty chứng khoán nâng dự báo VN-Index cuối năm lên 1.500 điểm

Đồng thời, nhóm phân tích MSVN điều chỉnh tăng 5%-10% dự báo lợi nhuận toàn thị trường trong mọi kịch bản so với dự phóng trước đó.
VN-Index giảm mạnh vào đầu tháng 4/2025 sau khi Tổng thống Trump công bố mức thuế suất đối ứng cao là 46% đối với hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ số này đã dần phục hồi và lấy lại phần lớn các khoản lỗ trong tháng, được hỗ trợ bởi sự hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Báo cáo chiến lược mới đây của Chứng khoán Maybank (MSVN) cho biết lợi nhuận doanh nghiệp quý 1/2025 vẫn giữ đà tăng trưởng tích cực với mức tăng 13,2% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp dẫn đầu tiếp tục tận dụng bối cảnh hiện tại để mở rộng quy mô và gia tăng thị phần.
“Trong bối cảnh triển vọng đàm phán thương mại Mỹ - Việt ngày càng rõ nét, chúng tôi cho rằng các yếu tố ngoại lực tiêu cực sẽ dần hạ nhiệt và gặp đối trọng từ quyết tâm hỗ trợ của Chính phủ cũng như năng lực xoay chuyển linh hoạt của khối doanh nghiệp niêm yết”, báo cáo nêu rõ.
Mặt khác, tiến trình giảm leo thang thương mại tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho định giá thị trường.
Theo đó, nhóm phân tích MSVN điều chỉnh tăng 5%-10% dự báo lợi nhuận toàn thị trường và mục tiêu chỉ số VN-Index cuối năm.
Cụ thể, Maybank điều chỉnh tăng mục tiêu VN-Index cuối năm lên 1.300 điểm (kịch bản cơ sở), 1.500 điểm (kịch bản tốt nhất) và 1.050 điểm (kịch bản xấu nhất).
Lợi nhuận toàn thị trường dự báo tăng 7,7%-7,8% trong kịch bản cơ bản; tăng 15%-15,7% trong kịch bản tốt nhất và tăng trưởng âm trong kịch bản tiêu cực.
Về chiến lược đầu tư cổ phiếu, nhà đầu tư tiếp tục tập trung vào các cổ phiếu trả cổ tức cao, những ngành có nhu cầu dài hạn ổn định (CNTT, logistics hàng không) và ngành hưởng lợi từ chính sách như bất động sản nhà ở và thép.
Kịch bản tốt nhất, Mỹ sẽ áp thuế đối ứng 20–25% với Việt Nam
Liên quan tới câu chuyện thuế quan, MSVN cho biết Việt Nam tiếp tục thể hiện thiện chí trong đàm phán. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đang theo đuổi chiến lược kiên nhẫn và thận trọng, do hạn chế về vị thế địa chính trị và sức ép đàm phán.
Quyết định cuối cùng của Mỹ về thuế quan nhiều khả năng sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố (1) phản ứng phản đối ngày càng lớn từ các tập đoàn Mỹ và người tiêu dùng nội địa, và (2) kết quả các cuộc đàm phán thương mại Mỹ với các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là Trung Quốc.
Diễn biến tích cực gần đây trong quan hệ Mỹ – Trung làm gia tăng xác suất cho kịch bản thuế 20–25% (kịch bản tốt nhất). Mặt khác, hiệp định thương mại giữa Mỹ và Anh cho thấy một hướng đi khác – thiên về đánh thuế theo ngành thay vì áp dụng đồng loạt, điều có thể tạo tiền lệ cho Việt Nam.
Song song đó, chính phủ đang ưu tiên cải cách thủ tục hành chính và đưa ra các gói hỗ trợ tài khóa mới để kích thích đầu tư và tiêu dùng. Maybank ước tính giá trị các biện pháp tài khóa đã được phê duyệt hoặc đề xuất hiện vào khoảng 2,7–2,9% GDP, đủ sức giảm thiểu phần nào tác động tiêu cực từ thuế quan trong năm 2025–2026.