Mong giúp đỡ nam sinh từng phải bỏ học vì khó khăn

Em Bàn Văn Tương (21 tuổi) năm nay mới thi tốt nghiệp THPT, bởi chàng trai dân tộc Dao này có hoàn cảnh rất khó khăn, từng phải bỏ học 3 năm để đi làm thuê kiếm sống.
Nghỉ học 3 năm đi làm thuê
Bàn Văn Tương là học sinh lớp 12A1, Trường THPT Hồng Quang, xã Khánh Hòa, tỉnh Lào Cai (trước đây là H.Lục Yên, tỉnh Yên Bái). Em sinh ra trong gia đình nghèo, bố mẹ chia tay khi em mới 2 tuổi. Rồi mẹ em đi bước nữa, do hoàn cảnh cũng khó khăn hầu như không quan tâm được đến em. Sau 3 năm thì bố em mất do tai nạn giao thông. "Lúc đó em mới 5 tuổi, nên cũng chưa biết gì nhiều, chỉ thấy các cô, bác nói: Con mất bố rồi, từ nay không còn bố nữa", Tương nghẹn ngào nhớ lại.
Kể từ đó, Tương sống cùng ông bà nội và sự cưu mang của cô chú (em của bố Tương). Tuy nhiên họ đều có hoàn cảnh khó khăn. Ông bà làm nông nghiệp, cô chú làm nghề tự do, nên cuộc sống rất bấp bênh, cả gia đình sống rau cháo qua ngày và nuôi Tương ăn học.
Sau khi học xong lớp 9, Tương được tuyển thẳng vào Trường THPT Hồng Quang, nhưng rồi em phải bỏ dở ước mơ của mình. "Em đã nhập học lớp 10, đã nhận đồng phục, nhưng khi đó trường cách xa nhà tới 20 km. Em đi tìm nhà trọ không có, lại không có bố mẹ, sợ không đủ điều kiện đi học nên em nản và quyết định nghỉ học đi làm kiếm tiền nuôi mình", Tương nhớ lại.
Sau khi nghỉ học, Tương đi làm phục vụ quán ăn ở P.Yên Bái, tỉnh Lào Cai (trước đây là TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái) và lên tận P.Sa Pa (trước đây là TX.Sa Pa), tỉnh Lào Cai, làm nhân viên ở quán photocopy. Sau 3 năm lăn lộn kiếm tiền, tự trang trải cuộc sống, em đã tích cóp được khoảng 10 triệu đồng. Nhìn các bạn đi học, em thấy rất tiếc nuối, nhận ra chỉ có học là con đường duy nhất thay đổi tương lai sau này. Và rồi em quyết định trở về địa phương nộp hồ sơ thi vào THPT", Tương kể.
Tuy nhiên, khi đó đã là ngày cuối cùng nhận hồ sơ và chỉ còn cách ngày thi 6 ngày. Thầy hiệu trưởng và thầy cô khuyên Tương có thể học bổ túc, nhưng em vẫn quyết tâm nộp hồ sơ dự thi và nói rằng nếu đỗ, sẽ không phụ lòng các thầy cô đã tạo điều kiện cho em dự thi hôm nay. Biết hoàn cảnh của em, thầy hiệu trưởng đã chấp nhận và không ngờ rằng cậu học trò đã đỗ vào trường một cách ngoạn mục.
Tương cho biết lúc đó em đã về nhà mượn sách của các em sinh năm 2007 để ôn tập lại kiến thức. "Tối 31.5, em mượn sách về ôn thi, mùng 6.6 bắt đầu đi thi. Lúc làm bài em chỉ làm theo trí nhớ, không ngờ khi nhận kết quả em đạt 26,7 điểm, thừa gần 10 điểm so với điểm chuẩn để đỗ vào trường", Tương kể.
Vừa đi học, vừa phục vụ quán ăn
Việc quay trở lại trường học như một bước ngoặt đáng nhớ trong cuộc đời Tương. Từ đó, em nỗ lực tự học để ôn lại kiến thức bị quên và luôn là học sinh xuất sắc của lớp, thậm chí dẫn đầu khối. Điều đáng ngưỡng mộ là không chỉ có kết quả xuất sắc, mà nghỉ hè năm nào em cũng đi làm thêm. Suốt 3 tháng hè mỗi năm, em xuống Bắc Ninh làm phục vụ ở quán ăn để có tiền trang trải cho những năm học sau. "Ông em đã mất vì ung thư, chỉ còn bà và cô chú nuôi con nhỏ, nên cuộc sống rất khó khăn. Trong 3 năm học, em thuê nhà trọ gần trường, với khoản tiền được nhà nước hỗ trợ hơn 1 triệu đồng/tháng. Em chỉ ăn cơm với rau thôi, để còn dành tiền đi học", Tương tâm sự.
Với hoàn cảnh hiện tại, Tương không dám ước mơ học ở những trường theo sở thích của mình mà chỉ dám chọn trường không phải nộp học phí như Học viện Cảnh sát nhân dân. Tuy nhiên, để đủ điều kiện đỗ vào trường là vô cùng khó khăn vì điểm chuẩn rất cao. "Em cũng hoang mang không biết có đỗ được hay không. Nếu không đỗ, thì em sẽ lại đi làm thuê để dự thi tiếp vào năm sau. Vì nếu học trường khác, thì em không có tiền", Tương ngậm ngùi chia sẻ.
Nói về mong ước của mình, Tương cho biết em rất thích các ngành học đang "hot" hiện nay như: công nghệ thông tin, hay trí tuệ nhân tạo, logistics vì có cơ hội thu nhập cao sau khi ra trường. Nhưng em không dám mơ được học những ngành đó vì khó khăn.
Chia sẻ về hoàn cảnh của Tương, cô Bùi Thị Thu, giáo viên chủ nhiệm 3 năm THPT của em, cho biết Tương có nghị lực phi thường và năng lực tự học xuất sắc. Trong 3 năm học, em luôn nỗ lực cố gắng vươn lên. Để động viên tinh thần học tập và cố gắng của em, có bất cứ hỗ trợ gì từ xã hội, cô đều xin cho em, nhưng cũng không được bao nhiêu. Đặc biệt, Tương còn biết chia sẻ yêu thương. "Có lần được tặng quà tết, em đã từ chối không nhận và nói rằng: Em được hỗ trợ rồi, cô dành cho các bạn khác", cô Thu kể.