Nhảy đến nội dung
 

Mong chờ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Nhiều bạn đọc rất quan tâm đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, và tin tưởng dự án sẽ sớm trở thành hiện thực, đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2035.

Như Thanh Niên đã thông tin, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 106 về kế hoạch triển khai chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, chiều dài khoảng 1.541 km, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục.

Tuyến đường sắt có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; đầu tư phương tiện, thiết bị để vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Dự án được Quốc hội cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai thực hiện. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, hoàn thiện nghị định quy định về nội dung, yêu cầu về khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED) thay thế cho thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi. Hướng dẫn về nghĩa vụ, quyền hạn của các bên tham gia thực hiện hợp đồng theo hình thức hợp đồng EPC (chủ đầu tư, nhà thầu, tổng thầu EPC, tư vấn giám sát…); quy định chi tiết, hướng dẫn về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao.

Bên cạnh đó, xây dựng nghị định quy định về tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp (DN) nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, DN VN được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; Nghị định hướng dẫn thực hiện công tác phát triển khoa học, công nghệ đường sắt và quy định chi tiết về việc nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ đối với các dự án đường sắt...

Các mốc tiến độ cụ thể như sau: Tổ chức lựa chọn các nhà thầu tư vấn để thực hiện công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện các công việc liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8.2026.

Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 9.2026.

Các địa phương, Tập đoàn điện lực VN thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình đường điện bị ảnh hưởng, cơ bản hoàn thành trước tháng 12.2026 để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công xây dựng.

Tổ chức lựa chọn nhà thầu giai đoạn thực hiện dự án, ký kết hợp đồng và đảm bảo các điều kiện để khởi công xây dựng trước ngày 31.12.2026. Triển khai thi công xây dựng, mua sắm, lắp đặt thiết bị, cơ bản hoàn thành dự án đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2035 theo nghị quyết Quốc hội.

Ủng hộ và mong chờ

"Rất ủng hộ Nghị quyết 106 của Chính phủ về kế hoạch triển khai chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong đó nêu rõ các mốc cụ thể phải làm. Đáng chú ý là các mốc khởi công xây dựng trước ngày 31.12.2026. Triển khai thi công xây dựng, mua sắm, lắp đặt thiết bị, cơ bản hoàn thành dự án đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2035", bạn đọc (BĐ) Minh Le bày tỏ.

Cùng quan điểm, BĐ H.Nguyen Hai nhận xét: "Trong các loại phương tiện đi lại, tôi rất thích xe lửa, nên rất quan tâm đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam này. Thử tưởng tượng nếu mình đi du lịch trên chuyến tàu tốc độ cao từ Bắc tới Nam, tha hồ mà ngắm cảnh quê hương, đất nước mình trên đường, lại không bị say xe, say máy bay… thì còn gì bằng! Tôi năm nay 60 tuổi, dự án này 10 năm sau sẽ đưa vào khai thác, vận hành, rất đáng và rất hào hứng để mong chờ ngày đó".

BĐ Cat Minh thì chia sẻ: "Việc đã đặt ra các mốc cụ thể cho thấy quyết tâm lớn của Chính phủ, Quốc hội. Mong rằng ngọn lửa quyết tâm này lan tỏa đến tất cả bộ ngành, địa phương, DN… để tất cả cùng chung sức, chung lòng góp phần thực hiện thành công dự án".

Nỗ lực làm chủ công nghệ

Nhận xét về việc thực hiện dự án trên, BĐ Lê Văn Hùng cho biết: "VN hoàn toàn có tiềm năng thực hiện - với lực lượng kỹ sư ngày càng giỏi, tư duy sáng tạo và khả năng làm chủ công nghệ đang ngày càng nâng cao. Việc tự thiết kế và đầu tư hệ thống đường sắt chạy bằng năng lượng xanh, có ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ mang lại rất nhiều lợi ích: Giảm phụ thuộc vào nước ngoài, đặc biệt là về công nghệ, thiết bị và vận hành; tối ưu chi phí dài hạn nhờ việc làm chủ thiết kế và công nghệ; phát triển công nghiệp trong nước, tạo ra hệ sinh thái sản xuất, lắp ráp và bảo trì; thân thiện với môi trường nhờ sử dụng điện tái tạo như điện mặt trời, điện gió, pin lưu trữ; tăng tính tự động hóa, nâng cao hiệu quả vận hành nhờ ứng dụng AI vào điều phối, bảo trì dự báo, tối ưu lịch trình… Nếu có sự phối hợp giữa các DN tư nhân như Viettel, Hòa Phát, Vingroup…, các trường đại học và cộng đồng kỹ sư - VN hoàn toàn có thể làm được những điều lớn lao".

BĐ Linh Dao góp ý: "Theo tôi nên giao DN này sản xuất toa xe, DN kia sản xuất đầu máy, DN nọ sản xuất đường ray... Làm chủ công nghệ rồi thì hết phụ thuộc nước ngoài".

"Gần đây tôi có theo dõi các thông tin về đường sắt như: tuyến đường sắt Thủ Thiêm - sân bay Long Thành, tuyến metro Cần Giờ của Vingroup, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khởi công trong năm 2025 và tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khởi công trong năm 2026… Phải nói là thấy lòng thật náo nức! Mong các dự án này sớm được thực hiện và đưa vào vận hành sớm ngày nào tốt ngày đó", BĐ Dung Van chia sẻ.