Mỗi tháng, cô gái Hà Nội chỉ giữ 5 triệu cho mình, phần còn lại làm điều mình cũng không ngờ tới

Từng tiêu xài hoang phí, giờ đây tháng nào cô nàng cũng có quỹ tiết kiệm cho riêng mình.
Từ "quẹt thẻ không suy nghĩ" đến nguyên tắc 15 triệu/tháng
Khánh Linh (sinh năm 1999, kế toán tại Hà Nội) từng là minh chứng sống cho câu nói: Có bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu. Khi mới ra trường, lương 7 triệu/tháng, cô nàng thoải mái tiêu xài vì nghĩ chưa có gánh nặng tài chính.
"Có lần mình chi hơn 2 triệu để mua một đôi giày chỉ vì đồng nghiệp có đôi tương tự. Đi chơi Đà Lạt hết 6 triệu trong khi tài khoản còn đúng 1 triệu. Thấy gì đẹp là quẹt thẻ, xong nghĩ sau này có lương trả. Lúc đó không hề nghĩ đến hậu quả", Linh nhớ lại.
Sau vài tháng sống kiểu "cuối tháng ăn mì gói", Linh vỡ lẽ: Không phải mình không có tiền, chỉ là không biết dùng tiền đúng cách. Bước ngoặt xảy ra khi cô nàng đặt mục tiêu rõ ràng: Trước tuổi 27 phải có ít nhất 500 triệu để đầu tư hoặc mua nhà.
Chuyển sang công ty mới với mức thu nhập 20 triệu/tháng (gồm lương cứng, thưởng và phụ cấp), Linh bắt đầu hành trình "gói gọn cuộc sống trong 5 triệu" và tiết kiệm đều đặn 15 triệu mỗi tháng.
"Ngay khi nhận lương, mình chuyển 15 triệu vào tài khoản tiết kiệm khóa 3 tháng. Còn 5 triệu để chi tiêu trong tháng. Nếu hết thì cũng không được đụng đến tiền tiết kiệm", Linh nói.
Sống ở Hà Nội với 5 triệu/tháng: Có thật sự khả thi?
Với nhiều bạn trẻ, sống ở thủ đô chỉ với 5 triệu/tháng nghe như nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng với Linh, điều này hoàn toàn trong tầm tay nhờ lối sống tối giản, tiêu gì cũng có kế hoạch.
Cách Linh chia nhỏ 5 triệu:
- Tiền thuê nhà: 1,5 triệu/tháng. Linh ở ghép với 2 người bạn trong căn trọ 20m² ở Cầu Giấy.
- Ăn uống: 1,2 triệu. Linh tự nấu ăn, mang cơm trưa đi làm, chỉ ăn ngoài 1–2 bữa/tuần.
- Đi lại + điện thoại: 800 nghìn, bao gồm xăng, thẻ điện thoại, phí gửi xe.
- Chi tiêu cá nhân (mỹ phẩm, thuốc, quần áo...): 700 nghìn.
- Dự phòng: 800 nghìn để xoay xở nếu phát sinh bất ngờ.
"Mình tin mỗi giai đoạn nên có sự ưu tiên khác nhau. Bây giờ mình chọn tích lũy để sau này có vốn đầu tư hoặc khởi nghiệp. Mình không muốn sống vội rồi đến lúc nhìn lại chẳng có gì trong tay."
Mục tiêu 500 triệu trước tuổi 27 - kế hoạch không viển vông
Nếu tiếp tục kỷ luật với nguyên tắc 15 triệu tiết kiệm/tháng, Khánh Linh hoàn toàn có thể chạm mốc 500 triệu vào năm 27 tuổi.
Không chỉ tiết kiệm, cô nàng còn ấp ủ kế hoạch đầu tư cụ thể: Một phần gửi tiết kiệm dài hạn. Một phần đầu tư vào chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Phần còn lại để làm vốn mua một mảnh đất nhỏ hoặc căn hộ tầm trung ở khu ven Hà Nội.
"Mình không muốn tới 30 tuổi mới bắt đầu nghĩ đến tích lũy. Mỗi tháng đều dành 15 triệu cho tương lai, coi như một khoản 'lương hưu sớm' mình tự trả cho bản thân", Linh bộc bạch.