Mối quan hệ với 'sếp lớn' mở đường cho Thuận An trúng thầu ở cầu Vĩnh Tuy 2

Ông Nguyễn Duy Hưng, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An, là một trong 27 người vừa bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03 Bộ Công an) đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, ngày 11/5
Ông Phạm Thái Hà, cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cựu Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, bị đề nghị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Cùng vụ án, C03 đề nghị truy tố cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo kết luận điều tra, khoảng giữa năm 2020, Hưng nhờ ông Phạm Thái Hà, khi đó là Trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội giới thiệu với Giám đốc Ban quản lý dự án Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn. Mục đích để Tập đoàn Thuận An được tham gia một phần dự án cầu Vĩnh Tuy 2.
Đồng ý, ông Hà mời ông Tuấn cùng Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp ăn cơm và giới thiệu tập đoàn Thuận An chuyên thi công cầu đường, có năng lực. Ông Hà đề nghị ông Tuấn xem xét tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi có công việc.
Ông Hưng sau đó đến phòng làm việc của Tuấn ở Ban quản lý dự án Hà Nội, đề nghị được tham gia thực hiện một phần dự án. Ông Tuấn không đồng ý ngay, nói "để nghiên cứu".
Một thời gian sau, tại buổi ăn sáng ở nhà Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Tuấn báo cáo Bí thư về tình hình triển khai các dự án giao thông, trong đó có cầu Vĩnh Tuy 2. Tại bữa ăn này, ông Tuấn gặp Hưng nên hiểu ông chủ Tập đoàn Thuận An có "quan hệ thân thiết với Bí thư Thành ủy Hà Nội và Phạm Thái Hà", cáo trạng nêu.
Bởi thế, vài hôm sau, khi ông Hưng đến phòng làm việc trình bày ông Tuấn đã đồng ý và nói sẽ chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện trong đấu thầu để Thuận An trúng, thi công dự án. Được mở đường, ông Hưng chỉ đạo cấp phó Trần Quang Anh liên hệ để phối hợp với Ban quản lý dự án Hà Nội làm các hồ sơ, thủ tục đấu thầu.
Tháng 6/2020, ông Tuấn hai lần nhắc nhở cấp dưới lưu ý, quan tâm cho Thuận An tham gia thi công dự án cầu Vĩnh Tuy 2. Hai cấp dưới của vị Giám đốc sau đó "tự hiểu ý" là phải cho Thuận An trúng thầu.
Nhóm "làm thầu" sau đó đã thông đồng, tiết lộ thông tin về hồ sơ, dự toán, kiểm tra, chấm trước hồ sơ cho Thuận An là liên danh. Từ đó giúp tập đoàn này trúng thi công gói thầu số 2, nhà chức trách cáo buộc.
Trúng thầu xong, ông Hưng và cấp dưới thống nhất sẽ chi tiền "cơ chế" ngoài hợp đồng cho cán bộ Ban quản lý dự án để sớm được nghiệm thu, thanh toán. Trong đó, chi cho Giám đốc ban quản lý dự án 2 tỷ đồng (tương đương 1% giá trị trúng thầu), Phó giám đốc phụ trách 1% số tiền được thanh toán, Phòng giám sát 2% số tiền được thanh toán, tổ tư vấn giám sát 0,5% khối lượng nghiệm thu...
Cụ thể, 13 cá nhân tại Ban quản lý dự án Hà Nội đã nhận tổng cộng hơn 12 tỷ đồng. Ông Tuấn nhận 2 tỷ đồng, Phó ban Nguyễn Chí Cường 2 tỷ đồng, Giám đốc Ban quản lý dự án Phạm Văn Duân 2,32 tỷ đồng, một số Trưởng, Phó phòng nhận từ 1,1 đến 1,7 tỷ đồng.
C03 kết luận, ông Hưng đã lợi dụng mối quan hệ cá nhân và hình ảnh gây ảnh hưởng của lãnh đạo cấp trên, để từ đó thực hiện các chuỗi hành vi trên. Quá trình làm dự án Vĩnh Tuy 2, ông Hưng đã gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước 9,2 tỷ đồng.
Trong dự án này, ông Phạm Thái Hà không bị nêu có sai phạm. Toàn vụ án, ông chỉ bị cáo buộc giúp Thuận An trong dự án cầu Đồng Việt ở Bắc Giang, sau đó hưởng lợi 750 triệu đồng.
Ông Hà, 49 tuổi, quê Thái Bình, từng làm Thư ký Tổng kiểm toán Nhà nước; Thư ký Bộ trưởng Tài chính; Hàm vụ trưởng, Thư ký của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trợ lý Phó thủ tướng; Trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ông làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm trợ lý Chủ tịch Quốc hội từ tháng 5/2022.
=>> Danh sách 30 người bị đề nghị truy tố
Phạm Dự