Nhảy đến nội dung
 

Mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị TP HCM

Với những tính toán về quy hoạch, nguồn vốn…, TP HCM được kỳ vọng nhanh hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đô thị kết nối với Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh.

Ngày 22-5, Ban Chỉ đạo Phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP HCM (Ban Chỉ đạo) họp phiên thứ nhất. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì phiên họp.

Triển khai đồng thời nhiều việc

Thông tin từ cuộc họp cho hay TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành 7 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 335 km. 

Đến năm 2045, TP HCM hoàn thành thêm 3 tuyến, tương ứng 155 km. Ngoài ra, TP HCM mở thêm 2 tuyến từ trung tâm thành phố đi Cần Giờ và Thủ Thiêm - Long Thành với độ dài lần lượt 48,7 và 41 km. Khi đó, TP HCM có khoảng 600 km đường sắt đô thị.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, đánh giá khi sáp nhập TP HCM với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thì nhu cầu và dư địa về phát triển mạng lưới đường sắt đô thị đều tăng. 

Do đó, cần quy hoạch lại hệ thống đường sắt đô thị, bổ sung, nối dài các tuyến đi và về Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và cả Tây Ninh. Việc này còn giúp TP HCM dễ dàng trong kêu gọi đầu tư, triển khai hình thức TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng).

Ông Nguyễn Văn Được cho rằng nếu làm đường sắt đô thị mà chỉ sử dụng ngân sách nhà nước thì không đáp ứng yêu cầu và cũng không hiệu quả.

Do đó, về phương án tài chính thì song song với công tác quy hoạch, nên kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, kể cả kết hợp nguồn vốn ODA.

Về mô hình quản lý, Chủ tịch UBND TP HCM nhận xét trước mắt, Ban Quản lý Đường sắt đô thị (MAUR, thuộc UBND TP HCM) là mô hình rất cần thiết và phù hợp. Về lâu dài thì cần nâng cấp Ban Quản lý này và mô hình công ty vận hành hệ thống đường sắt đô thị là một phương án tốt.

Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó trưởng MAUR, phân tích doanh nghiệp sẽ chủ động và thuận lợi hơn trong việc vận hành hệ thống đường sắt đô thị. "Doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm, còn Ban Quản lý dự án chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Nếu MAUR sau này là doanh nghiệp thì sẽ hoạt động thuận lợi hơn" - ông Nguyễn Quốc Hiển nhận xét.

Tầm nhìn mới

Phát biểu kết luận phiên họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết Trung ương có nhiều chủ trương và những quyết sách tạo hành lang pháp lý thông thoáng để TP HCM phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị. TP HCM cũng nhận thức rất rõ về ý thức trách nhiệm, điều kiện thuận lợi, cơ hội cũng như thách thức...

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo mô hình kết cấu mới rất đẹp. Vì thế, trong việc xây dựng hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông cũng như đường sắt đô thị nói riêng, đều phải nhìn với góc nhìn mới, phù hợp với vùng mang tính chất động lực này.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị TP HCM khẩn trương rà soát lại quy hoạch phát triển hệ thống đường sắt đô thị. 

Bên cạnh đó, chủ động nghiên cứu và phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, bao gồm cơ quan Chính phủ và Quốc hội, để cụ thể hóa Nghị quyết 188/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP HCM.

Về việc huy động và bố trí vốn, TP HCM khẩn trương xây dựng kế hoạch, trong đó đa dạng hóa các hình thức huy động. Cơ quan chức năng tích cực tham mưu, trình HĐND TP HCM để thông qua nghị quyết bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trong giai đoạn 2026 - 2030 và 2031 - 2035, phù hợp với tiến trình đầu tư các dự án theo danh mục, lộ trình triển khai Nghị quyết 188 của Quốc hội.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý một số công việc trước mắt cần phải làm ngay của Ban Chỉ đạo, như điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc theo điều kiện mới. Theo đó, khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp thì cần làm rõ trách nhiệm trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng; phải nhanh chóng thành lập tổ chức đủ chính danh để thực hiện nhiệm vụ này... 


 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn