Mổ não khi bệnh nhân vẫn tỉnh: Ca phẫu thuật đặc biệt cứu người đàn ông chấn thương đầu

TPO - Sau tai nạn tưởng chừng nhẹ, người đàn ông 40 tuổi bắt đầu đau đầu, yếu nửa người, mắt mờ. Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã phẫu thuật thức tỉnh, giúp bệnh nhân thoát nguy cơ liệt và phục hồi vận động.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa can thiệp thành công cho bệnh nhân N.X.C (40 tuổi, trú tại Hà Nội) bị máu tụ dưới màng cứng mạn tính – một biến chứng nguy hiểm sau chấn thương đầu bằng kĩ thuật phẫu thuật não thức tỉnh, giúp người bệnh bảo toàn chức năng vận động và ngôn ngữ.
Hai tháng trước, anh C. bị tai nạn xe máy, đầu đội mũ bảo hiểm va vào đuôi xe tải. Dù được sơ cứu và chụp chiếu tại thời điểm đó không phát hiện tổn thương trong sọ, anh chỉ bị xây xát nhẹ ngoài da. Tuy nhiên, gần một tháng trở lại đây, anh bắt đầu xuất hiện các cơn đau đầu kéo dài, kèm theo yếu nửa người bên phải và thị lực giảm sút.
Khi đến khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, kết quả chụp CT sọ não cho thấy khối máu tụ dưới màng cứng mạn tính ở bán cầu não trái, dày khoảng 3,2 cm, đang chèn ép mô não xung quanh – nguyên nhân gây ra các triệu chứng thần kinh ngày càng rõ rệt.
![]() |
Các bác sĩ thực hiện ca mổ não bằng kĩ thuật phẫu thuật não thức tỉnh. |
“Máu tụ dưới màng cứng mạn tính là tình trạng máu rò rỉ chậm trong khoang dưới màng cứng, thường không biểu hiện ngay sau chấn thương mà tiến triển âm thầm trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng”, ThS.bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Quang Thành, chuyên gia Ngoại Thần kinh sọ não cho biết.
Triệu chứng thường gặp gồm đau đầu kéo dài, yếu liệt một bên cơ thể, nói khó, rối loạn thị giác, chóng mặt, buồn nôn... Nếu không can thiệp kịp thời, người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ liệt vĩnh viễn hoặc thậm chí đe dọa tính mạng.
Mổ não khi bệnh nhân vẫn tỉnh táo
Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định sử dụng kĩ thuật mổ não thức tỉnh (awake craniotomy) – phương pháp phẫu thuật tiên tiến, trong đó người bệnh vẫn tỉnh táo và có thể giao tiếp với bác sĩ trong suốt quá trình mổ.
“Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là giúp phẫu thuật viên kiểm soát được chức năng thần kinh ngay trong mổ, tránh tổn thương các vùng não quan trọng liên quan đến vận động, cảm giác hay ngôn ngữ. Kĩ thuật này đặc biệt phù hợp với các ca phẫu thuật ở vùng não chức năng, hoặc những trường hợp máu tụ mạn tính nằm sát các bó sợi thần kinh quan trọng”, bác sĩ Thành cho biết.
![]() |
Bệnh nhân dần hồi phục sau ca mổ đặc biệt. |
Ca phẫu thuật của anh C. diễn ra suôn sẻ. Sau mổ một ngày, bệnh nhân đã có thể ăn uống, nói chuyện và vận động bình thường. “Ban đầu tôi rất lo và sợ, nhưng được bác sĩ tư vấn kĩ nên yên tâm hơn. Trong lúc mổ, tôi vẫn nói chuyện được với bác sĩ. Giờ tôi thấy tay chân bên phải nhẹ nhõm hơn, chỉ còn đau nhẹ chỗ vết mổ”, bệnh nhân C nói.
Theo bác sĩ Thành, các ca máu tụ dưới màng cứng mạn tính sau tai nạn xe máy hoặc tai nạn sinh hoạt không phải hiếm gặp, nhưng lại dễ bị bỏ sót do triệu chứng xuất hiện muộn. Đặc biệt, những người lớn tuổi, hoặc người có sử dụng thuốc chống đông máu càng dễ bị chảy máu nội sọ kéo dài mà không hay biết.
“Nếu sau chấn thương đầu mà xuất hiện các dấu hiệu như đau đầu kéo dài, mắt mờ, yếu tay chân, rối loạn ngôn ngữ…, người bệnh cần đến bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra ngay. Việc phát hiện sớm và can thiệp đúng lúc sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ di chứng thần kinh nặng nề” bác sĩ Thành nhấn mạnh.