Mở bếp ăn 'tiếp sức' đoàn cứu trợ bà con vùng lũ Nghệ An

Dọc tuyến quốc lộ 7, nhiều bếp ăn miễn phí đỏ lửa để nấu những suất cơm ngon, nóng hổi tiếp sức cho các đoàn đi cứu trợ người dân vùng lũ Nghệ An.
Trưa 28-7, bếp ăn tại một cửa hàng gần chợ Cây Chanh, xã Nhân Hòa, tỉnh Nghệ An rộn ràng tiếng cười nói. Phía bên ngoài quốc lộ 7, một tấm biển lớn "Tại đây có cơm miễn phí cho các đoàn thiện nguyện" thu hút người qua lại.
Bên trong, các chị em đang khẩn trương nấu nướng chuẩn bị các suất cơm cho các đoàn thiện nguyện đi cứu trợ bà con vùng lũ các xã miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An. Người rửa rau, người thái thịt, người rang lạc… mỗi người một công việc để kịp đón đoàn đi cứu trợ vào.
Kể từ khi tuyến quốc lộ 7 được thông tuyến, nước lũ rút, nhiều đoàn xe thiện nguyện khắp các tỉnh Bắc - Nam nối đuôi nhau hướng về vùng lũ chịu nhiều thiệt hại nặng nề.
"Đoàn Quảng Trị 7 suất, đoàn Thanh Hóa 15 suất, thêm đoàn Quảng Bình 12 suất…", chị Nguyễn Thị Phương Nam vừa nghe điện thoại từ các đoàn, vừa báo lại nhóm chị em chuẩn bị cơm.
Hồ hởi đứng mời đoàn cứu trợ vào dùng bữa cơm trưa, bà Nguyễn Thị Hoa - 58 tuổi, ngụ xã Nhân Hòa, tỉnh Nghệ An, cũng là nhóm trưởng bếp ăn miễn phí - cho biết ảnh hưởng của đợt mưa lũ do cơn bão số 3 (bão Wipha) gây ra, một số khu vực dân cư gần chợ Cây Chanh bị ngập lụt.
Trong hai ngày đầu, các chị em hàng xóm gần khu vực chợ - ở nơi cao ráo hơn không bị ngập lụt - đưa ra ý tưởng nấu cơm cho bà con vùng lũ trong xã.
"Nước lũ rút, chúng tôi vẫn duy trì bếp ăn này để giúp đỡ các đoàn cứu trợ đi qua. Không trực tiếp lên vùng lũ miền núi, chúng tôi muốn góp chút tình cảm nhỏ tiếp sức cùng mọi người có sức lực đi cứu trợ. Có ngày chúng tôi nấu và phục vụ gần 1.000 suất", bà Hoa nói.
Biết tin bếp ăn mở miễn phí, bà con xung quanh cùng ngồi lại họp, người góp tiền, người góp gạo, rau củ, người thì góp sức đứng chế biến thực phẩm. Bếp ăn đỏ lửa từ sáng sớm tới tối muộn.
"22h đêm qua có đoàn thiện nguyện ở một tỉnh phía Bắc đi cứu trợ bà con từ xã Mường Xén về không tìm được quán ăn, ghé bếp ăn họ rất vui vì ăn bữa cơm nghĩa tình", cô Phạm Thùy Linh - giáo viên Trường THPT Anh Sơn 3 - chia sẻ.
Cô Linh cho biết thực đơn mỗi ngày đều được chị em lên chu đáo, chuẩn bị thực phẩm, đảm bảo những suất cơm đến tay người đi cứu trợ luôn đảm bảo chất lượng, nóng hổi. Bếp ăn này sẽ đỏ lửa đến khi tình hình cứu trợ được ổn định.
Tiếng cười nói, hỏi han giữa những người xa lạ, người nấu cơm đến người đi cứu trợ nhận cơm như xua tan những mệt mỏi sau chặng đường dài vất vả.
Thưởng thức bữa cơm trưa có canh, thịt, cá kho, anh Hoàng Diệu - 39 tuổi, quê xã Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - cho biết những ngày qua xem tin tức về đồng bào miền núi xứ Nghệ gánh chịu thiệt hại nặng nề, anh cùng mọi người rất xót xa, đứng ra kêu gọi quyên góp tiền bạc, nhu yếu phẩm gửi lên cho bà con.
"Chúng tôi rất bất ngờ khi được mọi người mời vào ăn cơm trưa ngon thế này. Giữa những gian nan, nhọc nhằn, tình cảm đồng bào mình giúp đỡ nhau thật đáng quý", anh Diệu xúc động.
Không riêng gì các bếp ăn miễn phí, nhiều nhà nghỉ, khách sạn, nhà người dân có chỗ ở dọc quốc lộ 7 ở Nghệ An cũng chia sẻ thông tin lên mạng xã hội mở cửa đón các đoàn cứu trợ vào lưu trú miễn phí.