Nhảy đến nội dung

Miễn học phí 2 buổi/ngày: Đề xuất giải pháp thực hiện

Sở GD-ĐT TP.HCM thống kê tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học là 92,98%, cấp trung học (gồm THCS và THPT) là 93%. Tuy nhiên vẫn còn khó khăn và các trường có nhiều đề xuất để thực hiện trong năm học mới.

Hiện TP.HCM có khoảng hơn 1,7 triệu học sinh (HS), mỗi năm TP tăng trung bình khoảng 25.000 HS. Trong đó, tỷ lệ HS tăng tập trung ở những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng cao như TP.Thủ Đức, Q.12, Q.Bình Tân, Q.Gò Vấp, H.Bình Chánh và H.Hóc Môn.

Hằng năm, vào đầu năm học mới, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường bảo đảm tỷ lệ phòng học/lớp, cơ sở vật chất, sĩ số HS/lớp, đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định. Đồng thời bảo đảm tỷ lệ giáo viên (GV)/lớp, cơ cấu GV để dạy đủ các môn học, hoạt động giáo dục và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, bán trú theo quy định.

Tại buổi kiểm tra, khảo sát của Bộ GD-ĐT về tình hình triển khai thực hiện học bạ số, xây dựng học liệu số và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với giáo dục phổ thông (GDPT) tại TP.HCM vào đầu tháng 4, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng GDPT Sở GD-ĐT, thông tin năm học 2024 - 2025, TP.HCM chỉ còn 39/556 cơ sở giáo dục tiểu học chưa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học là 92,98%, trung học (gồm THCS và THPT) là 93%.

ĐẨY NHANH TỐC ĐỘ XÂY DỰNG TRƯỜNG LỚP

Việc thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút ở bậc tiểu học là quy định bắt buộc, nằm trong Chương trình GDPT 2018. Do đó, từ năm học 2024 - 2025 này, không có khoản thu nào của HS mang tên "tiền tổ chức dạy học buổi 2" từ lớp 1 tới lớp 5.

Báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết tính đến hết học kỳ 1 năm học 2024 - 2025, tất cả các trường đảm bảo nội dung và số tiết quy định khi thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Số lớp học thực hiện dạy học đảm bảo đủ thời lượng 2 buổi/ngày đạt tỷ lệ 84%. Còn số HS tiểu học đảm bảo đủ thời lượng 2 buổi/ngày đạt tỷ lệ 81%.

Từ đầu năm học 2024 - 2025, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh quy định dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình GDPT 2018 ở toàn cấp tiểu học nên không còn khái niệm chính khóa, ngoại khóa trong thời lượng 2 buổi/ngày.

Cũng theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, ở bậc tiểu học, chương trình nhà trường thuộc kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày là bổ trợ, song hành việc thực hiện Chương trình GDPT 2018. Việc HS tiểu học tham gia chương trình nhà trường là quyền lợi của mỗi HS, giúp các em hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực, trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết nhất về tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống… để không chỉ đáp ứng việc học tập ở bậc tiểu học mà còn ở các bậc học tiếp theo.

Các địa phương có 100% HS đảm bảo đủ thời lượng 2 buổi/ngày gồm: Q.1, Q.3, Q.4, Q.5, Q.6, Q.7, Q.8, Q.10, Q.11, Q.Bình Thạnh, Q.Tân Bình, Q.Phú Nhuận, H.Hóc Môn, H.Nhà Bè, H.Cần Giờ.

Bà Nguyễn Đinh Thụy Đỗ Uyên, Phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.11, cho biết một trong những điểm quan trọng, mấu chốt trong việc thực hiện hiệu quả chương trình nhà trường là có được sự đồng thuận của phụ huynh. Tốt nhất nên lấy ý kiến phụ huynh về các môn học của chương trình trong năm mới từ cuối năm học này để có nhiều thời gian lắng nghe ý kiến, chuẩn bị.

Để tiếp tục tăng thêm tỷ lệ HS tiểu học được học đủ 2 buổi/ngày, hoàn thành hiệu quả Chương trình GDPT 2018, TP.HCM đang đẩy nhanh tốc độ xây dựng trường lớp thuộc Đề án 4.500 phòng học, tham mưu các giải pháp thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa giáo dục, phát triển hệ thống trường học ngoài công lập trong thời gian sắp tới.

Với những đơn vị chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, các địa phương đều đã triển khai linh hoạt những giải pháp như bố trí cho HS học trái buổi hoặc học ngày thứ bảy.

VẬN DỤNG LINH ĐỘNG

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức), thông tin từ hơn 5 năm qua, nhà trường đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Vào mỗi đầu năm học, trường đều thực hiện khảo sát lấy ý kiến phụ huynh về tổ chức dạy 2 buổi/ngày và hầu như không có phụ huynh nào không đồng ý.

Theo bà Trúc, chương trình buổi 2 chủ yếu là hướng dẫn kỹ năng cho HS làm bài, tìm hiểu sâu về môn học và không được dạy vượt quá 50% số tiết văn hóa. "Một HS có thế mạnh về môn toán, ở chính khóa các em sẽ được học kiến thức môn học theo đúng chương trình, còn ở buổi 2 các em sẽ được rèn luyện kỹ năng để đào sâu, tìm tòi thêm những kiến thức xung quanh hoặc được tham gia hoạt động lồng ghép kiến thức văn hóa vào thực tế", bà Trúc phân tích.

Tương tự, ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Q.1), cho hay nhà trường tổ chức học 2 buổi/ngày từ nhiều năm nay. Trong đó, ở buổi 2, nhà trường tăng cường phẩm chất và năng lực cho HS với hoạt động câu lạc bộ như học thuật, tiếng Anh, STEM.

Ông Thạch chia sẻ với những trường đủ phòng học, có điều kiện thực hành thí nghiệm, tăng cường học thuật sẽ rất thuận lợi. Còn những trường ít phòng học, sĩ số đông thì phải vận dụng linh động, sắp xếp phù hợp.

Hiệu trưởng một trường THPT tại Q.3 cho biết vào đầu mỗi năm học, trường đều thực hiện khảo sát, lấy ý kiến phụ huynh để tổ chức dạy buổi 2 trong nhà trường, theo tinh thần tự nguyện. Theo vị này, hằng năm tỷ lệ phụ huynh đồng ý đều 100% với mức thu 300.000 đồng/HS/tháng. Nội dung của chương trình buổi 2 đều được các tổ bộ môn xây dựng kế hoạch cụ thể và được nhà trường thuyết minh, công khai để phụ huynh nắm rõ.

Hiện nay các trường THCS-THPT tại TP.HCM đang căn cứ theo quy định của Bộ GD-ĐT về dạy học 2 buổi/ngày bậc trung học Chương trình GDPT 2006 để tạo điều kiện cho HS tham gia đầy đủ các nội dung hoạt động của Chương trình GDPT 2018. Vì thế các trường vẫn thu phí 2 buổi/ngày với các môn học thuộc chương trình nhà trường. (còn tiếp)